Multimedia Đọc Báo in

Cần thường xuyên đo huyết áp đối với người trên 40 tuổi

17:24, 14/03/2020

Tăng huyết áp là bệnh lý đang gia tăng nhanh chóng và hiện có tỷ lệ mắc rất cao trong cộng đồng. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, có khoảng 1,5 tỷ người trên thế giới bị tăng huyết áp; tỷ lệ những người bị tăng huyết áp đang gia tăng một cách nhanh chóng ở các nước đang phát triển thuộc châu Á, châu Phi.

Tăng huyết áp được gọi là “kẻ giết người số một” vì những hậu quả nặng nề mà nó gây ra như: nhồi máu cơ tim, suy tim, xuất huyết não, suy thận…, thậm chí có thể tử vong. Tăng huyết áp còn được nói đến như “Kẻ giết người thầm lặng” bởi phần lớn người bị tăng huyết áp không biết mình đang bị tăng huyết áp. Bệnh nhân bị tăng huyết áp thường không có các dấu hiệu cảnh báo trước, khoảng 90% các bệnh nhân bị tăng huyết áp là không rõ nguyên nhân. Chỉ một số ít bệnh nhân bị tăng huyết áp tìm được nguyên nhân là do hậu quả của một số bệnh lý khác. Vì vậy việc kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có yếu tố nguy cơ tim mạch là hết sức cần thiết và quan trọng.

Ở Việt Nam, điều tra gần nhất của Viện Tim mạch Việt Nam tại 8 tỉnh,  thành phố cho thấy tỷ lệ tăng huyết áp của những người từ 25 tuổi trở lên là 25,1%; nghĩa là cứ 4 người trưởng thành có 1 người bị tăng huyết áp.

Tuy nhiên, theo kết quả giám sát và sàng lọc phòng chống tăng huyết áp tại các huyện trên địa bàn tỉnh năm 2019 cho thấy phần lớn người dân chưa ý thức được tầm quan trọng của việc theo dõi chỉ số huyết áp của cơ thể. Tại những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đa số những người trên 60 tuổi chưa chủ động tới cơ sở y tế đo huyết áp, nếu có bệnh phải đi khám và điều trị thì cũng không quan tâm đến huyết áp của mình. 

Khám sàng lọc bệnh tăng huyết áp tại xã Đắk Liêng (huyện Lắk).
Khám sàng lọc bệnh tăng huyết áp tại xã Đắk Liêng (huyện Lắk).

Chính vì vậy, đa số người dân không hề biết mình đang bị tăng huyết áp. Như trường hợp của anh Đỗ Văn Thắng (45 tuổi, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) dù chỉ số huyết áp cao song anh quan niệm không phải chỉ số huyết áp cao là mắc bệnh huyết áp. Trong lần đi công tác tại Đồng Nai, tự nhiên miệng bị méo và khi đi khám, anh Thắng mới biết mình bị tăng huyết áp. Hay như trường hợp đáng tiếc của bệnh nhân Vũ Văn Thập (huyện Ea Kar) tử vong khi vừa được đưa tới Bệnh viện Đa khoa 333 bởi xuất huyết máu não do tăng huyết áp. Người nhà cho biết, bệnh nhân vẫn sinh hoạt, ăn ngủ bình thường, không có biểu hiện gì của bệnh rồi đột nhiên đau đầu, ngã xuống sàn nhà và tử vong khi đến cơ sở y tế.

Theo các chuyên gia y tế, để phát hiện người bị tăng huyết áp cần được chẩn đoán dựa vào việc đo huyết áp và dựa trên kết quả đo huyết áp của ít nhất 2 lần đo riêng biệt. Tăng huyết áp là bệnh mạn tính nên cần theo dõi đều, điều trị đúng và đủ một cách liên tục. Mặc dù tăng huyết áp rất nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng, chống được nếu chúng ta điều chỉnh để duy trì lối sống tích cực với chế độ dinh dưỡng hợp lý và những thói quen tích cực như: giảm ăn mặn, tăng cường ăn rau xanh và các loại quả tươi, hạn chế ăn mỡ động vật, trứng, hải sản và thay bằng ăn dầu lạc, ăn cá ít nhất 2 bữa một lần. Người bị thừa cân nên tích cực giảm cân, cố gắng duy trì vòng bụng dưới 80 cm đối với nữ và 90 cm đối với nam. Tăng cường các hoạt động thể lực ở mức độ vừa phải, đều đặn. Tránh lo âu, cần thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý. Tránh bị lạnh đột ngột. Hạn chế uống rượu, bia, không hút thuốc lá.

Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.