Multimedia Đọc Báo in

Ngành y tế đẩy mạnh phòng ngừa bệnh bạch hầu lây lan rộng

08:27, 30/06/2020

Bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp tại tỉnh Đắk Nông – địa bàn tiếp giáp với tỉnh ta, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) vùng Tây Nguyên lại đang tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc và nghi mắc bạch hầu từ Đắk Nông chuyển đến. Do đó, ngành Y tế đang triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn bệnh bạch hầu lây lan trên địa bàn.

Tính đến cuối tuần qua, Khoa Nhi tổng hợp, BVĐK vùng Tây Nguyên đã tiếp nhận, điều trị 17 trường hợp mắc và nghi mắc bệnh bạch hầu chuyển đến từ tỉnh Đắk Nông. Qua kiểm tra, xét nghiệm đã phát hiện 6 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu. Theo dõi diễn tiến bệnh cho thấy, đã có 2 trường hợp được điều trị ổn định và xuất viện, 4 trường hợp bị bạch hầu tuýp sinh độc tố, trong đó có một trường hợp có diễn biến bệnh rất nặng là cháu G.A.P. (ở xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông).

Trước đó, bệnh nhân G.A.P. được BVĐK tỉnh Đắk Nông chẩn đoán bị bạch hầu ác tính. Ngày 22-6, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Nhi tổng hợp, BVĐK vùng Tây Nguyên trong tình trạng rất nguy kịch với dấu hiệu cổ bò, sốt cao liên tục, biến chứng viêm cơ tim. Hiện bệnh nhân đã được các bác sĩ mở khí quản, đặt máy tạo nhịp, theo dõi chặt diễn biến để hội chẩn đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Điều đáng nói, bệnh nhân G.A.P. và 16 trường hợp mắc, nghi mắc bạch hầu kể trên đều chưa tiêm vắc xin phòng bệnh hoặc có tiền sử tiêm chủng không rõ ràng.

Các bác sĩ làm việc bên trong khu cách ly điều trị cho bệnh nhân dương tính với bạch hầu.
Các bác sĩ làm việc bên trong khu cách ly điều trị cho bệnh nhân dương tính với bạch hầu.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp, BVĐK vùng Tây Nguyên: bệnh bạch hầu có tốc độ lây lan nhanh, xảy ra những biến chứng nguy hiểm và dễ gây tử vong. Bệnh thường được ghi nhận ở trẻ em dưới 15 tuổi. Đặc biệt, bệnh bạch hầu có thể lây truyền qua những người lành mang trùng, có những trường hợp không hề tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân dương tính hoặc có trong ổ dịch nhưng vẫn mắc bệnh. Đối với những trường hợp bị bạch hầu tuýp sinh độc tố thì độc tố vẫn có thể tiếp tục âm thầm tấn công bệnh nhân từ tuần thứ 2, thứ 3 hoặc có khi từ 24 - 30 ngày sau bệnh nhân vẫn có thể đột ngột ngưng tim. Do đó, với những trường hợp bệnh nhân mắc bạch hầu tuýp sinh độc tố thì sau khi ra viện vẫn phải tiếp tục theo dõi dài ngày.

Bạch hầu là bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Do đó, để phòng ngừa bệnh lây lan, những ngày qua, trong quá trình thu dung, điều trị bệnh nhân, Khoa Nhi tổng hợp, BVĐK vùng Tây Nguyên đã tổ chức cách ly điều trị theo từng khu vực như khu vực bệnh nhân dương tính, khu vực bệnh nhân nghi ngờ và khu vực bệnh nhân âm tính có triệu chứng. Đồng thời cho người nhà bệnh nhân và những bác sĩ, y tá, nhân viên tham gia thăm khám, điều trị cho số bệnh nhân này uống thuốc dự phòng để phòng, chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện cũng như không mang mầm bệnh ra cộng đồng.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, bạch hầu là bệnh nguy hiểm, dễ lây, song đã có vắc xin phòng bệnh. Để phòng chống bệnh bạch hầu, các bậc phụ huynh cần cho trẻ tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và tiêm nhắc lại đúng thời gian quy định.

Trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh cũng ghi nhận một ổ dịch bạch hầu tại xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar với 4 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù toàn tỉnh chưa ghi nhận ca mắc, song lại là địa phương tiếp giáp với tỉnh Đắk Nông và có ca mắc đang điều trị trên địa bàn, nên công tác phòng chống dịch bệnh này vẫn được ngành Y tế thực hiện một cách chặt chẽ. Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Quang Trí, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Trung tâm đã và đang phối hợp với BVĐK vùng Tây Nguyên điều tra, giám sát tất cả các trường hợp nhập viện để sàng lọc bệnh nhân. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Lắk (địa phương giáp ranh với huyện Đắk Glong - nơi có ổ dịch bạch hầu của tỉnh Đắk Nông) tăng cường công tác giám sát, tránh tình trạng người dân hai bên qua lại giao lưu làm lây lan dịch bệnh. Cùng với đó, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin uốn ván - bạch hầu giảm liều cho tất cả các trẻ đang học lớp 2 niên học 2020 - 2021 và trẻ 7 tuổi không đi học tại cộng đồng. Dự kiến chương trình sẽ được thực hiện vào quý IV năm 2020. 

Cũng theo bác sĩ Trịnh Quang Trí, hiện nay, Chương trình Tiêm chủng mở rộng của tỉnh đặt mục tiêu trên 95% trẻ em dưới 1 tuổi tiêm đủ 8 loại vắc xin để khống chế các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bạch hầu. Tuy nhiên, ở một số xã vùng sâu, vùng xa tỷ lệ tiêm chủng này hầu như không đạt được. Do vậy, sau một thời gian, số trường hợp không được tiêm chủng sẽ tích lũy lại làm cho người dân trong cộng đồng có tỷ lệ miễn dịch thấp xuống, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh sẽ tăng lên. Vì thế, để phòng tránh dịch bệnh cho trẻ, người dân hãy đưa con đến các điểm tiêm chủng của các trạm y tế xã để tiêm đầy đủ các loại vắc xin theo khuyến cáo của ngành Y tế.

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.