Multimedia Đọc Báo in

Cách sử dụng dịch khử khuẩn Cloramin B tại nhà

15:39, 12/09/2020

Nền nhà, bàn ghế, tay vịn cầu thang, tay nắm cửa, các vật dụng, đồ chơi… là những nơi con người tiếp xúc nhiều và có khả năng lây nhiễm vi khuẩn, vi rút vào trong cơ thể rất cao, đặc biệt là các bệnh dễ lây lan qua đường hô hấp, như: bệnh Covid-19, bạch hầu, tay chân miệng, tiêu chảy…

Để phòng các bệnh nói trên, ngoài các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế, một số gia đình đã sử dụng dung dịch Cloramin B để khử khuẩn, làm sạch nhà cửa. Tuy nhiên, khi sử dụng dung dịch này, cần phải biết cách pha để mang lại hiệu quả cao nhất.

Cloramin B có thành phần hóa học chính là Sodiumbenzensulfochleramin, trong đó có chứa chorine hoạt tính (25% - 27%). Cloramin B phổ biến ở dạng bột màu trắng hoặc viên nén, là hóa chất đã được Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế khuyến cáo sử dụng để khử khuẩn ở nhiều nơi, như: bệnh viện, trường học, nơi công cộng, nhà ở… Cloramin B chứa chất hoạt tính Clo nên có tác dụng diệt khuẩn ở trong nước, khử khuẩn các bề mặt hằng ngày thường tiếp xúc.

Sử dụng dung dịch Cloramin B đúng cách để àm sạch nhà cửa, phòng các bệnh lây lan qua đường hô hấp. Ảnh: Quang Nhật
Sử dụng dung dịch Cloramin B đúng cách để àm sạch nhà cửa, phòng các bệnh lây lan qua đường hô hấp. Ảnh: Quang Nhật

Khi dùng Cloramin B phải pha đúng công thức hướng dẫn cụ thể ghi trên bao bì để đảm bảo hiệu quả và an toàn. Thế nhưng, trên thực tế, vẫn có rất nhiều người cho rằng pha Clo-ramin B nhiều cũng được, ít cũng không sao hoặc pha với nồng độ càng cao thì khi khử trùng, khử khuẩn càng hiệu quả. Đơn cử như trường hợp bà H.T.H (ở phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột), vì cho rằng nồng độ càng cao thì vi rút càng dễ bị tiêu diệt nên bà H. đã pha Cloramin B ít nước hơn so với quy định, sau đó đem lau sàn nhà. Tuy nhiên, sau mỗi lần lau sàn nhà, bà H. cảm thấy ngột ngạt, khó chịu vì mùi clo nồng nặc.

Khi sử dụng Cloramin B, phải thực sự cẩn trọng, nhất là nhà có trẻ nhỏ, cần phải bảo quản, cất giữ kỹ.

Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Cloramin B có khả năng diệt khuẩn, khử trùng được hay không còn phụ thuộc vào hàm lượng Cloramin B mà chúng ta sử dụng để pha với nước. Nếu pha với hàm lượng Cloramin B ít quá thì việc khử khuẩn không hiệu quả, còn nếu pha Cloramin B nhiều quá sẽ lãng phí và cũng có thể gây nguy hại đối với sức khỏe của người sử dụng. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nồng độ Cloramin B có hai loại: loại 0,05% và loại 0,1%. Loại 0,05% thì được sử dụng nhiều hơn. Để có Cloramin B 0,05% hoạt tính, chúng ta chỉ cần lấy 20 gram bột Cloramin B pha với 10 lít nước, hòa tan hoàn toàn là có thể sử dụng được. Khi pha, tuyệt đối không để ngoài nắng, pha xong phải sử dụng ngay, không được để quá 24 giờ vì sẽ mất tác dụng khử khuẩn. 

Bác sĩ Phúc cũng lưu ý: Thông thường, Cloramin B được dùng khử khuẩn ở những nơi công cộng, như: bệnh viện, trường học… Nếu sử dụng diệt khuẩn tại nhà ở, cần lau sạch bụi trên các bề mặt, vật dụng, sàn nhà, sau đó dùng dung dịch Cloramin B đã pha để lau sạch, tiếp theo lau lại các bề mặt bằng nước sạch và lau khô. Đối với đồ chơi trẻ em, cần ngâm trong vòng 10 đến 20 phút, rửa lại bằng nước sạch và phơi khô. Khi sử dụng Cloramin B để diệt khuẩn, nên dùng hai xô hoặc chậu riêng biệt chứa dung dịch hóa chất và nước sạch xả bẩn. Khăn lau cũng gồm khăn lau dung dịch hóa chất và khăn lau lại bằng nước sạch. Nếu thấy dung dịch khử khuẩn hay nước xả bẩn đục màu, nên thay mới vì dung dịch hóa chất sẽ không còn đủ tác dụng để khử khuẩn. Trường hợp khi trẻ ngậm viên hoặc nuốt bột Cloramin B, nên cho trẻ uống ngay một lượng nước ấm, không được kích thích để trẻ nôn mà phải đưa ngay đến cơ sở y tế để can thiệp kịp thời. Khi hóa chất bị bắn vào mắt, phải rửa sạch mắt và mặt ngay bằng nước sạch nhiều lần, đồng thời đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.