Những cách hiểu sai lầm khi súc miệng bằng nước muối
Làm giảm đau họng, giảm viêm loét miệng, giảm khó chịu do dị ứng, giảm bớt và ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp, cải thiện sức khỏe răng miệng… là những lợi ích khi thường xuyên súc miệng, súc họng bằng nước muối sinh lý. Đây là biện pháp rẻ tiền, đơn giản và dễ áp dụng cho mọi lứa tuổi.
Theo các bác sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng, súc miệng, họng bằng nước muối sinh lý là biện pháp phòng bệnh răng miệng và đường hô hấp hiệu quả, an toàn cho mọi lứa tuổi. Nhờ tác dụng kiềm hóa, nước muối sinh lý làm tăng độ pH trong miệng giúp ngăn chặn sự tăng sinh của vi khuẩn, loại bỏ chất nhầy tích tụ trong đường hô hấp và khoang mũi, giúp giảm viêm, giảm đau họng, ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp. Ngoài ra, súc miệng nước muối thường xuyên còn có thể hỗ trợ loại bỏ vi khuẩn từ nướu, giúp làm sạch và ngăn ngừa sự tích tụ của mảng bám và cao răng, cải thiện sức khỏe răng miệng.
Tuy nhiên, nước muối sinh lý chỉ có hiệu quả khi được các bác sĩ kê đơn hoặc mua tại các quầy thuốc uy tín. Việc tự pha nước muối hoặc ngậm trực tiếp muối hột vào miệng không an toàn cho sức khỏe vì không đảm bảo vô trùng, vô khuẩn và độ tinh khiết… Nếu ngậm thường xuyên với nồng độ muối cao sẽ tích tụ làm thừa muối cho cơ thể. Khi cơ thể thừa muối sẽ gây ra các bệnh lý tim mạch, như: tăng huyết áp, giảm sự hấp thụ can xi, gây hại cho thận và các cơ quan trong cơ thể. Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng pha loãng muối vào nước với nồng độ càng mặn thì vi khuẩn càng dễ chết, nhưng quan điểm này hoàn toàn sai lầm bởi dùng nước muối sinh lý súc miệng, súc họng có thể diệt được một số vi khuẩn chứ không phải tất cả các vi khuẩn có trong miệng và họng. Việc súc miệng, súc họng bằng nước muối quá mặn sẽ làm cho miệng, họng sẽ bị tổn thương, trợt, loét các tế bào niêm mạc họng. Điều này dẫn đến viêm họng nặng hơn, vi khuẩn sẽ dễ dàng sinh ra nhiễm khuẩn.
Sử dụng nước muối đúng cách để súc miệng, súc họng. |
Như trường hợp anh Lê Trọng Nguyên (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) do hay bị viêm đường hô hấp, ho nhiều nên cứ sáng nào anh cũng súc họng, súc miệng bằng nước muối tự pha. Khi pha nước muối, anh Nguyên tự ước lượng, lấy một lít nước lọc pha với một nắm muối hột, lắc đều cho tan hết muối rồi sử dụng. “Khi chưa sử dụng nước muối tự pha, họng không khô, chỉ ho nhiều. Nhưng khi súc miệng bằng nước muối khoảng 4 - 5 ngày, tôi thấy họng khô, khó chịu, ho cũng không thuyên giảm. Sau đó, tôi không sử dụng nước muối mình tự pha nữa mà ra tiệm thuốc tây mua. Quả thực, có sự khác nhau rõ ràng. Nước muối tôi tự pha quá mặn. Tôi nghĩ đó là lý do khiến họng mình khô hơn”, anh Nguyên chia sẻ. Hay chị Trần Thị Thu Hường (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) do bị viêm họng hạt và amidan nên chị thường xuyên ngậm nước muối vào mỗi sáng và tối. Điều đáng nói, không mua nước muối sinh lý tại các đại lý thuốc, cũng không tự pha nước muối để dùng mà chị Hường thường ngậm trực tiếp muối hột vào miệng cho đến khi muối tan, sau đó mới súc miệng lại bằng nước lọc. Chị cho biết: “Tôi nghĩ rằng muối thì tác dụng như nhau nên tôi lấy muối hột ngậm, vừa tiện, vừa đảm bảo, lại không tốn kém chứ đâu có biết rằng ngậm nước muối không đúng cách cũng có hại cho sức khỏe”.
Để có một chai nước muối sinh lý đạt chuẩn thì cần có muối và nước sạch. Việc sản xuất nước muối sinh lý được Bộ Y tế đưa ra nhiều điều kiện vô cùng nghiêm ngặt, tuân theo một dây chuyền vô trùng, quy trình sản xuất đạt rất nhiều tiêu chuẩn, muối sinh lý được bào chế tinh khiết, loại bỏ tạp chất và pha với nước cất theo tỷ lệ 9/1.000 (NaCl 0,9%), tức là 1 lít nước/9 gram muối. Sở dĩ Bộ Y tế quy định đưa ra thành phần này là bởi nó trùng với độ mặn của nước mắt và lượng muối phù hợp trong cơ thể. Nồng độ thấp hoặc cao hơn cũng không được coi là nước muối sinh lý. Nước muối quá nhạt sẽ khiến cơ thể phải tiết ra bù thêm vào lượng muối thiếu, quá mặn sẽ gây thừa muối, cả hai điều này đều không tốt cho cơ thể. Tốt nhất nên mua nước muối sinh lý đạt chuẩn để súc miệng.
Trong trường hợp không có điều kiện để mua nước muối sinh lý, nếu bắt buộc phải có nước muối để sử dụng, khi tự pha cần lưu ý: Lấy 1 lít nước đun sôi để nguội hoặc nước lọc đóng chai pha với 9g muối (không nên lấy muối chứa I-ốt, tốt nhất nên chọn muối biển hột). Trước khi pha, cần phải rửa tay thật sạch, các dụng cụ pha nước muối nên khử trùng bằng nước sôi; sau khi hòa tan muối với nước, nên để nước lắng đọng lại sau đó chắt ra một chai khác; khi sử dụng nên để nơi thoáng mát, tránh độ ẩm cao và nắng nóng. Nên súc miệng bằng nước muối sinh lý 2 lần/ngày.
Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc