Tăng cường giám sát phòng chống bệnh sốt xuất huyết
Mùa mưa là thời điểm muỗi sinh sôi, phát triển, trong đó có muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh đang đẩy mạnh hoạt động giám sát sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh nhằm ngăn chặn kịp thời, không để SXH bùng phát thành dịch.
Theo thống kê của Khoa Truyền nhiễm (CDC tỉnh), trong 7 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh ghi nhận gần 700 trường hợp mắc bệnh SXH, bằng khoảng 1/10 so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù số trường hợp mắc SXH có giảm mạnh song qua công tác giám sát véc-tơ, mật độ muỗi và chỉ số nhà có dụng cụ chứa nước có bọ gậy khá cao.
Do đó, nhằm chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh SXH, ngay từ đầu năm 2020, CDC tỉnh đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị y tế về việc tăng cường công tác phòng chống dịch SXH, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, diệt muỗi bằng các biện pháp truyền thống và phun hóa chất tại hộ gia đình, khu dân cư nếu có ổ dịch SXH xảy ra.
Đồng thời, tăng cường các hoạt động truyền thông phòng chống SXH bằng nhiều hình thức, như: kết hợp lồng ghép trong các buổi họp dân; phát các thông tin phòng bệnh SXH trên hệ thống đài truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường; treo băng rôn, khẩu hiệu, cấp phát tờ rơi…
Hướng dẫn và thúc đẩy hoạt động của mạng lưới cộng tác viên, đội ngũ y tế thôn, buôn trong giám sát, tuyên truyền, vận động người dân khi có dấu hiệu bệnh SXH cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời, tuyệt đối không tự điều trị tại nhà. Chủ động về kinh phí, thuốc, phương tiện, vật tư, hóa chất… luôn trong trạng thái sẵn sàng để đáp ứng các tình huống nếu có dịch xảy ra.
Phun hóa chất tại xã Quảng Tiến (huyện Cư M'gar) để ngăn chặn sốt xuất huyết kịp thời, không để lan rộng. Ảnh: Quang Nhật |
Ngoài ra, công tác giám sát phát hiện, xử lý dịch bệnh SXH theo từng tình huống cụ thể cũng được xây dựng kịch bản; hệ thống xét nghiệm được trang bị đầy đủ; tập huấn công tác điều trị và xử lý ổ dịch cho cán bộ y tế các tuyến; phát động phong trào phòng chống dịch bệnh, cung cấp đủ hóa chất trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống bệnh SXH.
Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc CDC tỉnh cho biết: “Quan điểm của CDC là tất cả những ổ dịch nhỏ, khi có ca bệnh SXH tại địa bàn có lăng quăng hoặc muỗi nhiều thì ngay lập tức tiến hành khoanh vùng, dập dịch, phun hóa chất tại ổ dịch đó để ngăn chặn kịp thời, không để lan rộng. Đồng thời, tích cực giám sát mật độ muỗi ở nơi có nguy cơ cao, đặc biệt ở các địa phương như huyện Buôn Đôn và Cư M’gar là những vùng có nguy cơ cao dễ bùng phát SXH đã triển khai phun hóa chất chủ động. Riêng TP. Buôn Ma Thuột, ngành y tế thành phố hiện đang lập kế hoạch triển khai phun hóa chất tại 5 xã, phường có nguy cơ cao. Đây là biện pháp quan trọng nhằm diệt muỗi trưởng thành, hạn chế thấp nhất trường hợp mắc bệnh SXH”.
Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc