Đi bắt ... sâu răng
Sâu răng là hiện tượng men răng yếu hoặc vệ sinh răng không kỹ, để các chất bám vào răng, các vi khuẩn lên men tạo axit ăn mòn răng và gây ra các ổ sâu răng.
Thế nhưng, hiện nay vẫn còn nhiều người tin rằng sâu răng là do có con sâu bám trên răng, ăn mòn răng nên gọi là sâu răng. Cũng vì quan niệm này mà khi răng bị đau nhức, thay vì đến nha khoa, một số người tìm những phương thuốc truyền miệng hoặc đến thầy lang để tìm cách… "bắt con sâu".
Thời gian gần đây, bà H.T.B (55 tuổi, ở xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar) bị đau nhức răng thường xuyên. Những cơn đau nhức hành hạ bà dữ dội hơn mỗi khi bà ăn thức ăn chua, nóng hoặc lạnh. Mỗi khi không chịu đựng được những cơn đau nhức răng, bà thường mua thuốc giảm đau về dùng và tuyệt nhiên không có ý định đến bác sĩ khám. Nghe kể về phương pháp… bắt sâu răng của một người trong xã, bà B. tìm đến và được ông thầy “lang băm” này nhỏ cho vài giọt thuốc vào những chiếc răng bị sâu. Một tuần sau, răng bà B. không những không hết nhức mà những chiếc răng bị nhỏ thuốc còn mục dần và rụng đến sát chân răng.
Bà B. than thở: “Tiền mất tật mang là câu nói chẳng bao giờ sai nếu có bệnh mà không đến bác sĩ, trường hợp của tôi là một minh chứng cho sự cả tin mù quáng. Giờ khi nhìn lại những chiếc răng bị mục, tự trách bản thân mình chứ cũng chẳng trách được người làm cho hàm răng mình ra nông nỗi này vì mình tự tìm đến và nhờ người ta, biết bắt đền kiểu gì”.
Nên khám răng định kỳ 3 - 6 tháng một lần để phát hiện các bệnh lý về răng và có biện pháp chữa trị kịp thời. Ảnh: Đình Thi |
Còn anh T.T.H (40 tuổi, ở xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) thỉnh thoảng bị đau và nhức răng. Những cơn đau, nhức chỉ thoáng qua, lâu lâu mới bị nên anh H. chủ quan không đến bác sĩ chuyên khoa kiểm tra răng miệng. Một lần anh H. bị đau răng đến sưng cả mặt, không ăn uống được gì. Một người bạn thấy vậy liền gợi ý chở anh H. đi… bắt sâu răng. Anh H. nhớ lại: “Nói thật tôi cũng không tin là có con sâu, nhưng vì đau quá nên cũng liều đi thử xem sao. Đến nơi, sau khi nói triệu chứng đau nhức, ông thầy thuốc bảo tôi bị sâu răng và phải nhử bắt sâu ra thì mới hết. Lúc đó, đau quá nên tôi chẳng có tâm trí để ý ông pha thuốc bằng cách nào. Cũng may là sau đó thấy đỡ đau, về nhà ăn uống được, còn thực hư có con sâu không thì tôi cũng không biết”.
Khi được hỏi về chuyện… bắt sâu răng, các bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt đều khẳng định: Không có sự tồn tại của con sâu răng. Trong răng chỉ có tủy răng, hình thức bắt sâu răng chỉ là một trò lừa đảo những người nhẹ dạ, cả tin. Bởi trên thực tế, răng sâu là sự phá hủy tổ chức vôi hóa vô cơ của men răng và ngà răng hình thành lỗ sâu. Nguyên nhân gây sâu là do men răng yếu, vi khuẩn xâm lấn và thức ăn tồn đọng. Với những người men răng yếu, nó sẽ gây hoại tử tổ chức răng. Với những người có chế độ ăn, uống chứa nhiều đường và tinh bột, thường xuyên ăn vặt thì đường và tinh bột trong khoang miệng dễ lên men và tạo thành axit ăn mòn răng, gây những lỗ trên răng gọi là sâu răng. Hoặc những người vệ sinh răng miệng không tốt, chải răng không sạch dẫn đến những mảng bám trực tiếp vào răng, tồn tại lâu ngày sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xúc tác dẫn đến ăn mòn răng, tạo thành những lỗ trên răng. Ngoài ra, trẻ em đang trong độ tuổi uống sữa, bú bình về đêm, không thể đánh răng hay dùng gạt để lau răng thì men sữa đóng và bám trên các kẽ răng dễ chuyển hóa thành axit và axit sẽ ăn mòn tất cả răng của bé.
Nói về việc nhiều người khẳng định hết đau răng sau khi đi bắt sâu, các bác sĩ giải thích: có thể những thầy lang này đã dùng thuốc giảm đau hoặc thuốc làm chết tủy nên cảm giác đau nhức tạm thời bị hết.
Để phòng bệnh sâu răng, tốt nhất nên hạn chế ăn những thực phẩm chứa nhiều tinh bột, đường; hạn chế ăn vặt, không nên uống những thức uống có ga, chứa nhiều đường; nên uống nhiều nước lọc, ăn nhiều chất xơ hoặc rau củ quả; nên lựa chọn bàn chải đánh răng có lông mềm, nhỏ và có thể chải được tất cả các mặt làm sạch các kẽ răng, bàn chải đánh răng nên được thay sau 2 -3 tháng; nên cạo lưỡi thường xuyên nhằm ngăn ngừa các vi khuẩn trong mảng bám lưỡi. Đặc biệt định kỳ 3 - 6 tháng một lần cần đi khám răng định kỳ để phát hiện sớm bị sâu răng và có biện pháp chữa trị kịp thời.
Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc