Tăng cường truyền thông phòng, chống tác hại thuốc lá
Với mục tiêu nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn tỉnh về tác hại của thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc lá, những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, trong đó chú trọng các hình thức truyền thông.
Xác định đối tượng trọng tâm cần truyền thông phòng, chống tác hại thuốc lá là học sinh, sinh viên, người dân, cộng tác viên y tế thôn, buôn, cán bộ, công an, nhân viên nhà hàng, khách sạn…, Khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) đã tích cực, chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá cho nhóm đối tượng này thông qua các hình thức truyền thông tại cộng đồng.
Theo đó, từ năm 2015 đến 2019, Khoa đã tổ chức được 84 buổi truyền thông trực tiếp tại cộng đồng về tác hại của thuốc lá, phổ biến Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá cho gần 15.500 người tham dự; mở 50 lớp tập huấn cho khoảng 2.500 người; tổ chức 3 cuộc mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá, thu hút gần 2.100 người tham gia; tổ chức Hội thi tìm hiểu về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá với khoảng 150 học sinh tham gia…
Bên cạnh truyền thông trực tiếp, Khoa đã làm 245 panô, 5.000 biển “Cấm hút thuốc lá”, 30.000 tờ rơi cấp phát cho các cơ sở y tế, trường học, cơ quan hành chính, người dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, viết nhiều tin, bài, phóng sự phát trên các phương tiện thông tin đại chúng phổ biến kiến thức về tác hại thuốc lá, nêu gương cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến thực hiện tốt phong trào này…
Một buổi truyền thông trực tiếp phòng, chống tác hại của thuốc lá cho cán bộ phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột. |
Nhờ tăng cường các hoạt động truyền thông, ý thức người dân về phòng, chống tác hại của thuốc lá đã được nâng lên. Theo báo cáo điều tra “Thực trạng thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá tại Đắk Lắk năm 2018” do Khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe thực hiện cho thấy có 95,7% người dân tại cộng đồng hiểu biết về tác hại của thuốc lá và các căn bệnh nguy hiểm có liên quan đến thuốc lá…
Đơn cử như bà Ngô Thị Miên (thị trấn M’Drắk, huyện M’Drắk), sau khi tham gia một buổi truyền thông trực tiếp tại cộng đồng về phòng, chống tác hại thuốc lá thì mới biết người không hút thuốc mà hít phải khói thuốc cũng sẽ mắc bệnh, thậm chí nặng hơn cả người hút. Vì vậy, sau buổi truyền thông, bà đã khuyên chồng bỏ thuốc lá để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cả gia đình.
Còn ông Trần Đình Trọng (phường An Lạc, TX. Buôn Hồ) chia sẻ: “Việc tham dự trực tiếp một buổi truyền thông giúp tôi hiểu được tác hại của thuốc lá, có những thắc mắc nào đều được chia sẻ và có câu trả lời thỏa đáng. Tôi nghĩ, ngành y tế nên phát huy mô hình tuyên truyền này thì mọi người dễ dàng tiếp cận thông tin và dễ thay đổi hành vi từ bỏ thuốc lá hơn”.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác phòng chống tác hại của thuốc lá thông qua các hình thức truyền thông, từ nay đến cuối năm 2020, Khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe sẽ phối hợp với các ban, ngành tổ chức 21 lớp tập huấn, 38 lớp truyền thông trực tiếp, in ấn tài liệu truyền thông, đồng thời tổ chức giám sát việc thực hiện các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá tại các cơ quan, đơn vị. Phấn đấu đạt mục tiêu 100% lãnh đạo tỉnh, thành phố và các sở, ban, ngành, địa phương hiểu biết về quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; 97% người dân hiểu biết về tác hại của thuốc lá; 80% người dân hiểu biết về các bệnh do thuốc lá gây ra; 65% người dân hiểu biết về quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá…
Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc