Multimedia Đọc Báo in

Hết lòng vì bệnh nhân phong

06:20, 01/03/2021

Trong nhiều năm qua, các cán bộ y tế đang công tác tại Khoa điều trị phong Ea Na (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana), thuộc Trung tâm Da liễu Đắk Lắk vẫn luôn tận tâm với nghề, hết lòng chữa trị cho người bệnh.

Bác sĩ Trần Sỹ Tố là một trong số những người gắn bó lâu nhất với Khoa điều trị phong Ea Na, với hơn 30 năm công tác. Niềm vui lớn nhất của ông là khi phát hiện kịp thời và điều trị thành công giúp bệnh nhân phong trở lại với cộng đồng.

Bác sĩ Tố kể, trong một lần đến thăm một người bạn làm việc ở đây, ông rất trăn trở khi được biết phong là một căn bệnh khó lây, không gây chết người nhưng để lại di chứng rất nặng nề khiến người bệnh phải chịu nhiều tổn thương. Sau khi xuất ngũ, năm 1990 ông đã viết đơn tình nguyện mong muốn được công tác tại khoa để đóng góp một phần công sức nhỏ bé giúp bệnh nhân phong phục hồi sức khỏe, tinh thần.

Thời điểm ấy, Khoa điều trị phong còn nhiều khó khăn và thiếu thốn. Khu điều trị có quy mô chỉ 50 giường bệnh nhưng phải điều trị cho hơn 300 bệnh nhân trong khi đội ngũ y bác sĩ lại ít nên thời gian ông Tố ăn ngủ tại khoa còn nhiều hơn ở nhà. Nhiều ca bệnh, ông và đồng nghiệp phải túc trực suốt đêm để phẫu thuật kịp thời cho bệnh nhân. Phần lớn bệnh nhân là người dân tộc thiểu số, chưa thông thạo tiếng Việt nên trong suốt một năm, ông phải học tiếng Êđê mới có thể trò chuyện với họ.

Ngoài ra, do nhận thức của người dân còn hạn chế, thường có thái độ kỳ thị, xa lánh bệnh phong nhân khiến họ cảm thấy tự ti, mặc cảm nên thường trốn vào rừng hay những nơi hẻo lánh để sinh sống. Bác sĩ Tố lại cùng với các cán bộ y tế cơ sở không quản ngại khó khăn, đi khắp các buôn làng vùng sâu, vùng xa ở Đắk Lắk, Đắk Nông để tìm và động viên, khuyên nhủ bệnh nhân phong quay trở về  tiếp nhận điều trị.

Bác sĩ Trần Sỹ Tố trò chuyện, hỏi thăm tìm hình sức khỏe của bà H’Ứ Ênuôl.
Bác sĩ Trần Sỹ Tố trò chuyện, hỏi thăm tìm hình sức khỏe của bà H’Ứ Ênuôl.

Vì bệnh phong dẫn đến khuyết tật, mất khả năng lao động nên nhiều trường hợp bị gia đình, người thân bỏ rơi, phó mặc cho khoa nên ngoài việc điều trị nỗi đau về thể xác cho bệnh nhân, bác sĩ Tố còn phải tìm cách gần gũi, động viên giúp họ có thêm niềm tin vào cuộc sống. Dù công việc vất vả, song ông luôn nỗ lực hết mình để chữa trị cho người bệnh với thái độ ân cần, chu đáo, sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ những chuyện buồn, vui cùng bệnh nhân nên được nhiều bệnh nhân yêu quý, tin tưởng. Bà H’Ứ Ênuôl bị bệnh phong gần 30 năm cho biết: “Ở đây, tôi và mọi người được bác sĩ Tố lo chu toàn mọi việc từ ăn uống, thuốc men rồi hỏi han, động viên tinh thần nên ai cũng vui và yên tâm lắm”.

Cũng vì tình thương đối với người bệnh mà chị H’Rít Êban, điều dưỡng của khoa đã không ngại khó, ngại khổ, nguyện gắn bó lâu dài với nơi đây. Sinh và lớn lên tại xã Dray Sáp, ngay từ nhỏ đã chứng kiến ông ngoại mắc bệnh phong nên chị hiểu được những nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần mà bệnh nhân phong phải chịu đựng. Do đó, chị đã quyết tâm sẽ học tập thật tốt, sau này có thể là việc trong ngành y để chữa trị và chăm sóc cho người bệnh, đặc biệt là các bệnh nhân phong. Năm 2011, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Y tế Đắk Lắk, chị đã làm đơn tự nguyện về Khoa điều trị phong Ea Na làm việc, đến năm 2016 thì được nhận vào công tác. Dù bản thân đã quen biết gần hết các bệnh nhân ở đây và là người tại chỗ nhưng chị cũng không khỏi bỡ ngỡ khi tiếp cận và chăm sóc bệnh nhân. Nhờ sự giúp đỡ, chỉ bảo của các bác sĩ, điều dưỡng đi trước mà chị đã vượt qua được những khó khăn ban đầu.

Điều dưỡng H’Rít Êban chăm sóc bệnh nhân phong.
Điều dưỡng H’Rít Êban chăm sóc bệnh nhân phong.

Trong suốt gần 5 năm gắn bó với nghề điều dưỡng, chị H'Rít luôn xem công việc chăm sóc người bệnh không chỉ là niềm vui, niềm hạnh phúc mà còn là nhiệm vụ cao cả. Với đặc thù của bệnh phong là vết thương rất khó lành, nếu chăm sóc không cẩn thận sẽ gây ra viêm loét dẫn đến phải cắt bỏ nên ngoài việc thường xuyên vệ sinh vết thương, thay băng thì chị phải theo dõi sát sao từng bệnh nhân để áp dụng chế độ chăm sóc phù hợp, hiệu quả. Nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là người già yếu, luôn được chị quan tâm, giúp đỡ từ miếng ăn, giấc ngủ đến việc vệ sinh cá nhân. Trong số những bệnh nhân điều trị ở đây, chị nhớ nhất là trường hợp của ông Y Liu, dân tộc Xê Đăng (huyện Krông Pắc) bị bệnh phong và ung thư giai đoạn cuối. Thương ông không có người thân bên cạnh chăm sóc nên chị H’Rít đảm nhận luôn việc bón thức ăn, tắm rửa, giặt giũ cho ông...

Chị H’Rít chia sẻ: “Để làm tốt công việc chuyên môn, điều dưỡng viên cần có lòng yêu nghề, có đạo đức nghề nghiệp và ứng xử thân thiện, gần gũi với người bệnh, phải xem người bệnh như chính những người thân trong gia đình, giúp họ yên tâm, tin tưởng khi điều trị”.

Khoa điều trị phong Ea Na hiện có 2 bác sĩ, 1 điều dưỡng đang trực tiếp điều trị và chăm sóc cho hơn 60 bệnh nhân phong, trong đó có 30 bệnh nhân nội trú. Các bệnh nhân phong tại đây phần lớn là người già trên 50 tuổi, bị di chứng phong nặng và mất khả năng làm việc.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.