Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Búk: Gia tăng số trẻ mắc bệnh về đường hô hấp

06:20, 01/03/2021

Chênh lệch nhiệt độ trong ngày khá lớn khiến số trẻ em ở huyện Krông Búk mắc các bệnh về đường hô hấp gia tăng.

Mỗi ngày, Khoa Nhi (Trung tâm Y tế huyện Krông Búk) tiếp nhận hàng chục bệnh nhi đến khám, điều trị, cao điểm có ngày tiếp nhận gần 80 trường hợp bị bệnh liên quan đến đường hô hấp. Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện có 322 trẻ bị viêm họng và viêm amidan cấp; 402 trường hợp viêm phế quản và 34 trẻ bị viêm phổi. Đối tượng mắc bệnh phần lớn là trẻ từ 1 - 15 tuổi.

Nguyên nhân là do đang trong giai đoạn chuyển mùa, nhiệt độ trong ngày thay đổi thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút gây bệnh phát triển, trong khi đó nhiều người dân vẫn còn chủ quan, chỉ khi nào bệnh tiến triển nặng mới đến các cơ sở y tế khám bệnh khiến nhiều bệnh nhi phải nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, viêm phổi nặng, sốt cao, co giật.

Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Krông Búk thăm khám cho trẻ mắc bệnh về hô hấp.
Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Krông Búk thăm khám cho trẻ mắc bệnh về hô hấp.

Ðưa con trai 4 tuổi đến điều trị tại Khoa Nhi, chị H’Nhí Êban ở thôn Ea Siết (xã Cư Né) chia sẻ: “Hai ngày trước, thấy con có biểu hiện sốt nhẹ, khi ngủ hơi khò khè, tôi tự đi mua thuốc về cho uống như những lần trước. Tuy nhiên, bệnh không thuyên giảm mà có dấu hiệu nặng hơn nên tôi đưa cháu đến Trung tâm Y tế huyện khám và được chẩn đoán bị viêm phổi, phải nhập viện điều trị”.

Tương tự, với tâm trạng lo lắng chờ đến lượt khám cho con, chị Nguyễn Thị Liên ở buôn Cư Hriết (xã Cư Pơng) cho hay, con của chị 25 tháng tuổi bị sốt, ho đã mấy ngày nay. Mặc dù chăm con cẩn thận nhưng do thời tiết thay đổi thất thường và bé lại có thói quen ngủ phòng máy lạnh nên vẫn mắc bệnh.

 

“Nếu trẻ có dấu hiệu sốt cao, ho kéo dài không dứt, mệt mỏi, biếng ăn cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời, tránh tình trạng tự mua thuốc điều trị tại nhà”.

 

 
Bác sĩ Trần Thuận, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Búk

Theo bác sĩ Trần Thuận, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, người dân đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho trẻ. Song do trẻ có sức đề kháng kém, cấu trúc đường thở chưa hoàn thiện nên dễ bị vi rút tấn công. Đây là căn bệnh khá phổ biến tại thời điểm giao mùa nhưng các bậc phụ huynh cũng không nên xem nhẹ, đặc biệt cần lưu ý bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh vì bệnh diễn tiến rất nhanh và nguy hiểm nếu không được điều trị sớm, đúng cách rất dễ gây ra biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe của bé sau này, thậm chí tử vong.

Trước diễn biến bệnh giao mùa ở trẻ em gia tăng, Trung tâm Y tế huyện đã điều động bác sĩ, điều dưỡng từ các khoa khác tăng cường cho khoa Nhi; thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm chéo, như: phân chia phòng bệnh hợp lý giữa các trường hợp bệnh nhân mắc bệnh nặng, nhẹ; thường xuyên vệ sinh sàn nhà, phòng bệnh; hướng dẫn bố mẹ, người nhà bệnh nhân thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm chéo, giữ gìn vệ sinh chung…

Điều dưỡng Trung tâm Y tế huyện Krông Búk tư vấn cho người nhà bệnh nhân cách chăm sóc trẻ bị bệnh về hô hấp.
Điều dưỡng Trung tâm Y tế huyện Krông Búk tư vấn cho người nhà bệnh nhân cách chăm sóc trẻ bị bệnh về hô hấp.

Để chủ động phòng, chống các loại bệnh về đường hô hấp cho trẻ em, bác sĩ Trần Thuận khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần chú ý giữ gìn vệ sinh mũi họng, chân tay cho trẻ sạch sẽ, hạn chế đưa trẻ đến các vùng tập trung đông người; tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý; tiêm chủng đầy đủ vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng; cho trẻ đeo khẩu trang khi ở nơi đông người…

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.