Multimedia Đọc Báo in

Lao kháng thuốc và mối nguy cho sức khỏe cộng đồng

06:20, 24/03/2021

Bệnh lao có thể điều trị khỏi nhưng nếu điều trị không đúng cách sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, dễ để lại di chứng, thậm chí gây tử vong.

Với những trường hợp lao kháng thuốc, việc điều trị càng khó khăn, tốn kém hơn, quá trình dùng thuốc lại có nhiều tác dụng phụ khiến cuộc sống của người bệnh khó khăn gấp bội dễ dẫn đến tâm lý chán nản.

Nguy hiểm khó lường

Lao kháng thuốc là bệnh xảy ra khi vi khuẩn kháng lại chính loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh lao. Có những bệnh nhân chỉ bị kháng thuốc ở mức độ ít nghiêm trọng, nhưng có những bệnh nhân kháng thuốc mức độ nặng hơn, hay còn gọi là "lao đa kháng thuốc”, những bệnh nhân kháng thuốc mức độ nguy hiểm hơn nữa gọi là "lao siêu kháng thuốc”. Không chỉ chịu một số tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe, điều trị lao kháng thuốc còn tốn kém gấp hàng chục lần so với bệnh lao thông thường. Hơn nữa, bệnh phải điều trị thời gian dài: đối với bệnh lao thông thường chỉ cần điều trị trong 6 tháng, tỷ lệ khỏi cao tới 91%, nhưng với lao kháng thuốc, phác đồ tiên tiến nhất cũng phải kéo dài 9 tháng, tỷ lệ khỏi chỉ 75%.

Còn với lao siêu kháng thuốc phải điều trị tới 20 tháng với nhiều loại thuốc phối hợp. Nguyên nhân phổ biến nhất gây lao kháng thuốc là do người bệnh không tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị, tự ý ngưng dùng thuốc, hoặc dùng thuốc không đúng, không đầy đủ. Lâu dần, vi khuẩn lao sẽ kháng lại thuốc đang điều trị.

Một trường hợp mắc lao kháng thuốc điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh.
Một trường hợp mắc lao kháng thuốc điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, trên thế giới hiện có khoảng 2 tỷ người mắc bệnh lao, trong đó có khoảng 450.000 người nhiễm trực khuẩn lao có khả năng kháng thuốc và khoảng 1,6 triệu người tử vong mỗi năm vì căn bệnh này. Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, xếp thứ 15 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới, xếp thứ 16 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng thuốc cao nhất trên toàn cầu với trung bình mỗi năm có khoảng 6.000 bệnh nhân lao kháng thuốc xuất hiện.

Tại Đắk Lắk, chỉ tính riêng năm 2020 đã ghi nhận gần 1.100 trường hợp mắc lao, trong đó có 23 trường hợp lao đa kháng thuốc, tập trung nhiều ở các huyện Krông Pắc, M’Drắk, Ea Kar và TP. Buôn Ma Thuột. Đáng nói, trong 23 trường hợp lao đa kháng, vi khuẩn lao kháng với cả 2 loại thuốc chuyên dùng để điều trị cho bệnh nhân lao. Hầu hết các bệnh nhân đều có tuổi đời rất trẻ, từ 18 đến 30 tuổi, đặc biệt họ đều là bệnh nhân mới, chưa mắc và điều trị lao lần nào nhưng khi phát hiện bệnh lại mắc lao kháng thuốc. Hiện đa số các bệnh nhân này đang được áp dụng phác đồ điều trị 9 tháng, có 4 trường hợp là tiền siêu kháng và siêu kháng thuốc được áp dụng phác đồ điều trị 20 tháng.

Cần phát hiện, điều trị sớm

Trước đây, bệnh lao chỉ được phát hiện khi người bệnh có triệu chứng. Nhưng nay khi khoa học kỹ thuật phát triển, nhận thức của người dân cũng được nâng cao nên việc phát hiện được bệnh lao khá sớm. Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh lao cao như những người sống chung trong gia đình có người bị lao phổi, đặc biệt là trẻ em; bệnh nhân bị tiểu đường; phạm nhân sống trong trại giam, sinh hoạt, vệ sinh chung, điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Đặc biệt, những người nhiễm HIV có nguy cơ bị bệnh lao rất cao.

 
Với sự phát triển của y học, bệnh lao nói chung và bệnh lao kháng thuốc nói riêng đều có thể chữa khỏi hoàn toàn. Song điều cần thiết nhất là mỗi người dân cần có kiến thức về phòng chống bệnh lao và không xa lánh, kỳ thị người mắc lao”.
 
Bác sĩ Nguyễn Kim Mỹ, Trưởng Phòng chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh

Theo bác sĩ Nguyễn Kim Mỹ, Trưởng Phòng chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh, với người mắc bệnh lao thông thường, cần tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của nhân viên y tế khi điều trị. Trong quá trình điều trị, có thể gặp một số yếu tố bất lợi do thuốc gây lên như dị ứng, ảnh hưởng tới chức năng gan, thận, thị lực, thính lực, xương khớp… người bệnh cần gặp bác sĩ điều trị kịp thời để được hướng dẫn và phối hợp điều trị. Nếu trường hợp bị bệnh lao kháng thuốc, cơ hội điều trị khỏi bệnh vẫn còn. Lúc này, người bệnh cần tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của nhân viên y tế trong điều trị hằng ngày cho đến khi khỏi bệnh. Khi có vấn đề phát sinh trong quá trình điều trị, phải báo cho nhân viên y tế để được hướng dẫn giải quyết, tránh tình trạng bỏ điều trị giữa chừng làm phát sinh lao đa kháng thuốc, tiền siêu kháng, hoặc siêu kháng thuốc, khi đó điều trị cực kỳ khó khăn mà kết quả không khả quan.

Cán bộ Trạm Y tế xã Hòa Tiến (huyện Krông Pắc) tuyên truyền, hướng dẫn người dân trên địa bàn các biện pháp phòng chống bệnh lao.
Cán bộ Trạm Y tế xã Hòa Tiến (huyện Krông Pắc) tuyên truyền, hướng dẫn người dân trên địa bàn các biện pháp phòng chống bệnh lao.

Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, hiện nay người dân hoàn toàn có thể chủ động phát hiện bệnh lao kháng thuốc bằng cách đi khám sức khỏe định kỳ, tránh tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây. Khi tiếp xúc với người bệnh cần có phương tiện bảo hộ như khẩu trang để tránh lây lan vi khuẩn từ người bệnh. Ngoài ra, cần vệ sinh nơi ăn, ở sạch sẽ. Trường hợp phát hiện mắc bệnh lao, để tránh lây bệnh cho gia đình và cộng đồng, người bệnh phải tuân thủ đầy đủ chế độ uống thuốc. Trong quá trình điều trị mà về sinh hoạt với gia đình, không được sử dụng chung dụng cụ ăn uống, dụng cụ sinh hoạt, khi khạc nhổ phải có dụng cụ riêng để khạc đờm rồi đem hủy, rửa tay với xà phòng sau khạc nhổ và hủy dụng cụ…

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.