Uống rượu pha huyết động vật: Lợi bất cập hại
Nhiều người quan niệm rằng uống rượu trắng pha huyết các loài động vật, như: kỳ đà, ba ba, tắc kè, chồn hương, rùa, thỏ, dê, nai, rắn, chim… sẽ tăng cường sức khỏe, sức đề kháng, đặc biệt tăng cường sinh lý ở đàn ông.
Vì thế, thứ thức uống này đã trở thành “mốt” ăn nhậu của nam giới ở nhiều nơi. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh rượu trắng pha huyết động vật có ích cho cơ thể, ngược lại còn tiềm ẩn nguy cơ về sức khỏe.
Không cầu kỳ về hình thức pha chế, rượu pha huyết rất đơn giản, dễ làm. Khi ăn những loài động vật được cho là đặc sản, như: ba ba, chồn hương, chim, kỳ đà, rắn, tắc kè... thì chỉ cần cắt tiết của chúng và đổ trực tiếp vào cốc rượu rồi uống luôn không cần chờ đợi. Nhưng không phải vì sự pha chế tiện lợi, gọn gàng mà nhiều thực khách chuộng loại thức uống này, họ chuộng là vì lời đồn, quảng cáo “có cánh” từ các đầu bếp của các nhà hàng, từ người này truyền tai cho người kia về công dụng của rượu pha huyết động vật, như: tăng cường sinh lý nam giới, tăng sức đề kháng cho cơ thể… Họ còn cho rằng, con vật nào càng độc, càng lạ thì sẽ càng tốt cho sức khỏe.
Cắt tiết các con vật còn sống pha với rượu trắng để uống đang trở thành “mốt” nhậu của nam giới. Ảnh: Internet |
Anh Nguyễn Trọng Hùng (ở xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) và bạn bè đều rất thích uống rượu trắng pha huyết của những con vật như: rắn, kỳ đà, những con vật sống ở vùng rừng, núi… vì cho rằng động vật hoang dã thường ăn những thức ăn sạch, không sợ có hóa chất độc hại nên tất nhiên máu của chúng sẽ rất bổ dưỡng. Còn anh Trần Trọng Thành (ở phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột), vì tính chất công việc nên thường phải tiếp khách. Mỗi khi dẫn khách đến nhà hàng nào trên địa bàn thành phố, anh cũng được giới thiệu về rượu huyết kèm công dụng dành cho phái mạnh “một người uống hai người vui”. Quảng cáo đó khiến nhiều khách hàng là nam giới rất hào hứng, nhiều người còn yêu cầu đầu bếp cắt tiết con vật ngay tại bàn nhậu để chứng minh con vật còn sống thì rượu mới phát huy tác dụng. “Tôi rất ngại uống rượu pha huyết vì chẳng có thức ăn gì sống mà tốt cả. Nhưng vì để làm hài lòng khách, bắt buộc tôi cũng phải làm vài ly để chứng tỏ sự nhiệt tình từ chủ nhà”, anh Thành chia sẻ.
Một trong những dấu hiệu ngộ độc rượu nói chung và rượu pha huyết động vật nói riêng là người uống có thể bị đau bụng, tiêu chảy dữ dội, chậm nhịp tim, toàn thân co giật, suy thận… Để tránh nguy cơ khôn lường, người bị ngộ độc phải được đưa ngay đến cơ sở y tế, bệnh viện để cấp cứu và xử trí kịp thời. |
Tuy nhiên, công dụng của rượu pha huyết động vật chỉ là do truyền miệng, chưa được chứng minh trong bất kỳ nghiên cứu khoa học nào. Đứng về góc độ an toàn thực phẩm, bác sĩ Trần Văn Tiết, Phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Tất cả các loại thực phẩm nên được nấu chín để tiêu diệt các mầm bệnh, các vi khuẩn có trong thức ăn nói chung. Do đó, khi chúng ta dùng huyết của các loại động vật còn sống, quá trình lấy huyết con vật, máu từ trong cơ thể chảy ra thông qua da, qua vết cắt đến các vật chứa đựng đã có thể bị nhiễm khuẩn. Bác sĩ Tiết thông tin: “Nhiều người cho rằng rượu có nồng độ cồn cao có thể diệt được vi khuẩn song huyết còn sống, chưa được chế biến chín mà đưa vào cơ thể thì nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao, tùy theo từng loại thực phẩm sống nói chung mà sẽ có những biểu hiện khác nhau, thậm chí có người còn ngộ độc”.
Đứng về góc độ điều trị, các chuyên gia y tế cho rằng: huyết động vật là thành phần rất dễ bị nhiễm trùng, có rất nhiều loại vi khuẩn ký sinh ở trong huyết. Ngoài ra, huyết là loại chất bổ chứa nhiều loại đạm, chủ yếu là đạm khó tiêu, có một số người không thích ứng với loại đạm này nên thường bị dị ứng, nổi mẩn ngứa, phát ban. Uống rượu pha huyết rất dễ dẫn đến các trường hợp bị dị ứng, lâu ngày tế bào gan bị phá hủy gây xơ gan, trụy tim mạch. Vi khuẩn, vi rút xâm nhập cơ thể người hay động vật thường đi vào máu đầu tiên. Vì thế, việc pha rượu với máu động vật có thể khiến người uống dễ nhiễm bệnh. Chẳng hạn, với các loài có nọc độc như rắn, khi săn mồi chúng thường sử dụng nọc độc của mình và khi tiêu hóa thức ăn, chúng cũng tiêu hóa luôn nọc độc và độc tố được hấp thu trở lại vào máu. Pha rượu huyết rắn có chứa nọc độc có thể khiến người uống bị ngộ độc, thậm chí tử vong; các loại rượu pha huyết chim, cò… dễ bị nhiễm các bệnh cúm gia cầm; rượu pha huyết dê, nai… có thể bị dịch bệnh lở mồm, long móng…; rượu pha huyết thỏ, dê… chứa rất nhiều ký sinh trùng sán, rùa, ba ba sống dưới bùn nên có thể có vi khuẩn bệnh than… Ngoài ra, khi lấy máu các loài động vật này, người ta phải lấy qua da, nơi có nhiều mầm bệnh mà mắt thường không thể nhìn thấy được.
Với nguy cơ tiềm ẩn từ rượu pha huyết động vật, khi chưa biết về công dụng của nó, tốt nhất chúng ta không nên uống để bảo vệ sức khỏe bản thân.
Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc