Tầm quan trọng của dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con
Theo ước tính trung bình mỗi năm nước ta có từ 1,5 - 2 triệu phụ nữ mang thai. Với tỷ lệ nhiễm HIV chiếm khoảng 0,25 - 0,3% trong nhóm này thì mỗi năm có từ 4.000 - 6.000 bà mẹ mang thai nhiễm HIV. Nếu không được can thiệp dự phòng thì có tới 1/3 trẻ sinh ra sẽ nhiễm HIV từ mẹ.
Đáng mừng là đến nay nhờ can thiệp dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con kịp thời, tỷ lệ trẻ sinh ra nhiễm HIV đã giảm hẳn, hàng nghìn trẻ đã được cứu thoát khỏi căn bệnh HIV, nhiều phụ nữ nhiễm HIV đã có thể sinh con khỏe mạnh.
HIV lây truyền từ mẹ sang con có thể xảy ra rất sớm, ngay khi người mẹ mang thai được 8 tuần và trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, tỷ lệ lây truyền HIV qua nhau thai cao vào thời kỳ tuổi thai được trên 18 tuần. Khi có vấn đề như bị nhiễm khuẩn làm tổn hại đến bánh nhau thì vi rút HIV có thể di chuyển qua bánh nhau vào thai nhi.
Có khoảng 20 - 30% số trẻ nhiễm HIV từ mẹ ở giai đoạn này. HIV còn lây truyền từ mẹ sang con ở giai đoạn chuyển dạ, nguyên nhân là do trẻ đi qua đường sinh dục của mẹ để ra ngoài đã tiếp xúc trực tiếp với dịch âm đạo mà HIV có rất nhiều trong máu và dịch âm đạo của người mẹ, có khoảng 50 - 60% trẻ bị nhiễm HIV trong giai đoạn này. Nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con trong khi sinh sẽ tăng lên trong trường hợp đẻ khó, chuyển dạ kéo dài, thai nhi bị xây xước, sang chấn.
Sau khi sinh, trẻ vẫn có thể nhiễm HIV trong quá trình bú sữa mẹ, vì trong sữa mẹ có nhiều vi rút HIV, vi rút xâm nhập qua các vết nứt ở núm vú của người mẹ, khi trẻ có các tổn thương ở niêm mạc miệng. Hiện nay chưa có vắc xin phòng HIV/AIDS nhưng việc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ.
Cán bộ Khoa Phòng chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) xét nghiệm sàng lọc phụ nữ mang thai nhiễm HIV. |
Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2021 diễn ra từ ngày 1-6 đến ngày 30-6-2021 với chủ đề “Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030”. Tất cả các phụ nữ mang thai vì những đứa con thân yêu của mình hãy đến cơ sở y tế để được tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện.
|
Để phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, tất cả phụ nữ mang thai cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn, xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt. Nếu bị nhiễm HIV thì sẽ được hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị dự phòng làm giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con với gói dịch vụ điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con gồm: tư vấn, xét nghiệm cung cấp điều trị ARV, theo dõi hướng dẫn tư vấn các biện pháp an toàn cho trẻ trước, trong và sau khi sinh. Gói dịch vụ này hoàn toàn miễn phí.
Phụ nữ nhiễm HIV trong khi sinh cần đảm bảo các nguyên tắc vô khuẩn trong sản khoa, hạn chế các thủ thuật bấm ối, mổ lấy thai, không đặt điện cực vào đầu thai nhi, không lấy máu da đầu thai nhi làm pH, cần tắm cho trẻ ngay sau khi sinh, thực hiện cấp phát đủ liều thuốc ARV cho mẹ và bé, chuyển tiếp hồ sơ đến cơ sở chăm sóc và điều trị ARV để người mẹ được chăm sóc và điều trị. Đồng thời giới thiệu trẻ đến với cơ sở chăm sóc và điều trị dành cho trẻ em để được chăm sóc và theo dõi lâu dài. Thực hiện tiêm chủng vắc xin theo đúng lịch như trẻ bình thường khác
Về vấn đề nuôi dưỡng trẻ sau khi sinh: nếu nuôi con bằng sữa mẹ sẽ làm tăng nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con, nhất là các bà mẹ vừa cho con bú sữa mẹ vừa cho con ăn thức ăn thay thế. Do vậy, phụ nữ nhiễm HIV chỉ nên chọn một cách nuôi con, hoặc bú sữa mẹ hoặc bú sữa ngoài hoàn toàn. Nếu nuôi con bằng sữa mẹ thì người mẹ nhiễm HIV phải được điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV và đảm bảo tuân thủ điều trị để đạt tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế (dưới 200 bản sao/1 ml máu). Trường hợp không thể đảm bảo tuân thủ điều trị thì người mẹ nhiễm HIV nên nuôi con bằng sữa thay thế. Nếu các bà mẹ không có sự lựa chọn nào khác mà quyết định cho con bú sữa mẹ thì cần phải vệ sinh đầu vú sạch sẽ, thường xuyên và cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ mà không dùng sữa thay thế hay bất cứ thức ăn, nước uống nào khác. Đặc biệt, cần ngừng cho trẻ bú càng sớm càng tốt, muộn nhất là khi trẻ 6 tháng tuổi. Khi ngừng cho trẻ bú sữa mẹ, cần chuyển ngay sang sử dụng thức ăn thay thế như sữa bột, bột, cháo. Bên cạnh đó, trẻ cần được đưa đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được theo dõi và xét nghiệm nhằm xác định sớm tình trạng nhiễm HIV, điều trị dự phòng các nhiễm trùng cơ hội.
Nguyễn Công Thành