TP. Buôn Ma Thuột: Chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết
Mùa mưa là thời điểm thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bùng phát, trong đó có bệnh sốt xuất huyết (SXH).
Từ đầu năm đến nay, số ca mắc SXH trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2020; tuy nhiên, qua công tác giám sát, điều tra véc-tơ về chỉ số lăng quăng, chỉ số muỗi tại cộng đồng trên địa bàn thành phố vẫn khá cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ muỗi gây bệnh phát triển.
Song song với công tác phòng dịch COVID-19, để chủ động phòng bệnh SXH khi mùa mưa đến, Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột đã triển khai đồng bộ các biện pháp như: kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh; dự trù thuốc, hóa chất sẵn sàng chống dịch bệnh SXH; bố trí và ổn định nhân lực tham gia hoạt động phòng, chống dịch SXH tại cộng đồng; cung cấp thông tin, tập huấn kỹ năng giám sát, xử lý ổ dịch cho nhân viên y tế và các lực lượng khác tham gia công tác phòng chống dịch tại địa phương.
Đồng thời, Trung tâm Y tế thành phố phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh điều tra chỉ số côn trùng tại các xã, phường trọng điểm để đưa ra nhận định tình hình, những địa phương có chỉ số muỗi, loăng quăng cao sẽ được phun hóa chất chủ động phòng ngừa SXH; chỉ đạo 21 trạm y tế xã, phường đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống bệnh SXH; triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, khơi thông cống rãnh… giám sát chặt chẽ tình hình dịch tại địa phương.
Tại xã Ea Tu, bên cạnh việc tích cực phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Trạm Y tế xã đã tăng cường các hoạt động truyền thông, cộng tác viên y tế thường xuyên gặp gỡ, vận động các hộ gia đình ký cam kết diệt loăng quăng.
Bác sĩ H’Thái Arul, Phó Trưởng Trạm Y tế xã cho biết: “Từ đầu năm 2021 đến nay trên địa bàn xã xuất hiện vài trường hợp đơn lẻ mắc bệnh SXH, không hình thành ổ dịch.
Tuy nhiên, do lo ngại dịch SXH bùng phát mạnh vào mùa mưa nên trạm thường xuyên tuyên truyền trên loa phát thanh của xã về các dấu hiệu nhận biết bệnh SXH để người dân phòng bệnh; vận động bà con tích cực dọn dẹp vệ sinh môi trường, ngăn chặn sự sinh sản, phát triển của muỗi”.
Phun hóa chất diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết tại phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Quang Nhật |
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột, SXH là bệnh lưu hành quanh năm. Tuy nhiên, trời mưa xuống tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển. Khi đẻ trứng, muỗi vằn thường chọn đẻ nơi nước sạch, không đẻ nơi ao tù, nước thải, cống như nhiều người vẫn nghĩ. Trứng muỗi còn có đặc điểm bám vào thành lu, hũ và có thể tồn tại đến 6 tháng để khô, chỉ cần khi có nước thì trứng đó lập tức phát triển thành loăng quăng rồi thành muỗi.
Chính vì tập tính đẻ trứng như vậy nên muỗi truyền bệnh SXH có khả năng sinh sản mạnh và phát triển vào mùa mưa. Hằng năm cứ mùa mưa đến thì bệnh SXH lại có chiều hướng gia tăng, bệnh thường phát triển mạnh từ khoảng tháng 5 - 10 và đỉnh dịch từ tháng 8 - 10. Hiện nhiều người dân vẫn còn có thói quen tích trữ nước mưa trong lu, khạp, nếu không đậy nắp sẽ tạo điều kiện cho muỗi sinh sản. Chưa kể, các vật phế thải, đọng nước mưa xuống xung quanh nhà như muỗng dừa, lon, chai, lọ, lốp xe… cũng là nơi chứa nước khi mưa xuống.
Trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, phòng chống SXH cũng phải được coi trọng để tránh nguy cơ dịch lây lan, bùng phát gây tình trạng “dịch chồng dịch”.
Vì vậy, ngoài sự nỗ lực của ngành y tế, mỗi người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh SXH như: ngủ màn kể cả ban ngày; diệt muỗi, diệt loăng quăng bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thay bình hoa, bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt côn trùng vào bát nước kê chân chạn; loại bỏ các vật phế thải xung quanh nhà…
Đối với trường hợp đã mắc bệnh SXH, khi có dấu hiệu sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài từ hai ngày trở lên, khó hạ sốt, đau đầu dữ dội ở vùng trán, có thể nổi mẩn, phát ban…, cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Mỹ Hạnh