Đơn giản thủ tục hành chính: Bước đột phá trong cải cách hành
14:31, 11/06/2010
Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ, Dak Lak đã hoàn thành giai đoạn thống kê và rà soát thủ tục hành chính, được đánh giá là một trong các tỉnh, thành phố của cả nước thực hiện bảo đảm tiến độ và chỉ tiêu đơn giản hóa trên 30% các thủ tục hành chính. Để biết thêm về vấn đề này, Phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với ông PHAN HỒNG, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ Công tác thực hiện Đề án 30 của tỉnh.
Mô hình "một cửa liên thông" tại Sở Kế hoạch - Đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp trong giao dịch hành chính. |
*Xin ông cho biết kết quả đạt được khi kết thúc 2 giai đoạn của Đề án 30?
-Thực hiện Đề án 30, tỉnh đã thành lập tổ công tác chuyên trách; hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND các cấp từ huyện, thành phố đến xã, phường, thị trấn tiến hành rà soát, lập danh mục, thống kê các TTHC, mẫu đơn, tờ khai thuộc thẩm quyền giải quyết giữa cơ quan hành chính Nhà nước với cá nhân, tổ chức. Kết thúc giai đoạn 1, toàn tỉnh đã thống kê, tập hợp và lập Bộ danh mục 1200 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết các sở, ban, ngành; Bộ danh mục 226 TTHC áp dụng tại cấp huyện và Bộ danh mục 141 TTHC áp dụng tại cấp xã. Ngày 20-8-2009, tỉnh đã công bố Bộ thủ tục hành chính 3 cấp. Các bộ thủ tục này cùng hệ thống các quy định, thủ tục cần thiết trong quá trình giao dịch hành chính công được đăng tải tại trang thông tin điện tử của tỉnh, để người dân có thể dễ dàng tìm hiểu, tra cứu một cách đầy đủ. Giai đoạn 2 là giai đoạn rà soát các thủ tục hành chính sau khi đã thống kê. Tổ công tác Đề án 30 đã tiến hành rà soát 1.377 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các Sở, ban, ngành, của UBND cấp xã và kiến nghị đơn giản hóa 883 thủ tục.
*Như vậy, thành công nhất của việc thực hiện Đề án 30 tại tỉnh ta là gì thưa ông?
-Có thể nói, thành công nhất của giai đoạn này chính là từ việc rà soát đã phát hiện rất nhiều TTHC mà các cấp, ngành tự đặt ra, gây phiền hà cho người dân, trên cơ sở đó được kiến nghị hủy bỏ. Trong số 883 TTHC, tỉnh đã ra quyết định hủy bỏ, thay thế và sửa đổi 71 TTHC thuộc thẩm quyền cấp tỉnh và kiến nghị đơn giản hóa 812 TTHC đang áp dụng trên địa bàn tỉnh do Trung ương ban hành, đạt tỷ lệ 64,12%. Với tỷ lệ này, tỉnh ta đã vượt chỉ tiêu đơn giản hóa tối thiểu 30% các TTHC hiện hành theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Đây là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng của các ngành, các cấp cùng sự tham gia ý kiến của tổ chức, doanh nghiệp, người dân.
*Giai đoạn 3 của Đề án 30 là thực thi việc đơn giản hóa các TTHC, vậy Dak Lak đã có bước chuẩn bị như thế nào để khi triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao?
-Từ những kết quả sau giai đoạn thống kê, rà soát, tỉnh đã tổ chức sơ kết đánh giá và cấp tài liệu các phương án đơn giản hóa TTHC cho các sở ngành, địa phương để tiếp tục triển khai giai đoạn 3 của Đề án 30. Bộ tài liệu này quy định rõ từng thủ tục của từng lĩnh vực, từng ngành, cần phải sửa đổi, bãi bỏ thay thế với những nội dung cụ thể. Đây sẽ là công cụ đắc lực để các đơn vị, địa phương thực hiện thắng lợi Đề án này. Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc thực thi các kiến nghị trên để người dân, tổ chức, doanh nghiệp giảm chi phí, tạo động lực mới nâng cao năng lực trong sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Tuy nhiên, vấn đề tồn tại lớn nhất ảnh hưởng đến công tác cải cách hành chính (CCHC) hiện nay của tỉnh là điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhất là ở cấp cơ sở; trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ công chức chưa hồng, chưa chuyên… Chính vì vậy, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực; cải cách lề lối làm việc, thái độ ứng xử của cán bộ công chức đối với người dân. Sau khi Đề án 30 hoàn tất, các TTHC tương đối ổn định và để kết quả trên khi đi vào cuộc sống mang tính bền vững, cần xây dựng quy chế kiểm soát việc ban hành cũng như quá trình thực thi các TTHC. Có như vậy, CCHC mới thực sự tạo bước đột phá, góp phần xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
*Xin cảm ơn ông!
Lê Hương
(thực hiện)
Ý kiến bạn đọc