Multimedia Đọc Báo in

Việt Nam rất nỗ lực thực thi cam kết về Hiệp định TBT

11:26, 09/07/2010
Khi Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), một trong những yếu tố quan trọng là thực thi cam kết về Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) của WTO. Phóng viên Báo Dak Lak đã trao đổi với ông Ed Nemeroff, cố vấn cao cấp Dự án USAID/STAR-Việt Nam về vấn đề này.

 

Cố vấn cao cấp Dự án USAID/STAR-Việt Nam giới thiệu cuốn sổ tay TBT (sửa đổi lần 2) và tập huấn bộ công cụ về các tiêu chuẩn bền vững tự nguyện.
Cố vấn cao cấp Dự án USAID/STAR -Việt Nam giới thiệu cuốn sổ tay TBT (sửa đổi lần 2) và tập huấn bộ công cụ về các tiêu chuẩn bền vững tự nguyện.
*Thưa ông, hoạt động của Dự án USAID/STAR  - Việt Nam tập trung vào những nội dung gì?
-Dự án STAR là dự án hỗ trợ kỹ thuật do Cơ quan Hỗ trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ nhằm giúp Việt Nam thực hiện các cam kết trong Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa kỳ, WTO và các hiệp định song phương khác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế thương mại. Trong phạm vi nguồn lực, qua 9 năm hoạt động tại Việt Nam, dự án đã đáp ứng hầu hết các yêu cầu quan trọng từ các cơ quan đối tác giúp Việt Nam thực hiện tốt các cam kết quan trọng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, minh bạch công khai, thương mại hàng hoá và dịch vụ. Dự án đã hỗ trợ biên soạn, xuất bản cuốn sổ tay Hàng rào kỹ thuật thương mại. Đây là mô hình lần đầu tiên được xây dựng nhằm cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn toàn cảnh về tầm quan trọng của đo lường, công nhận, tiêu chuẩn hóa như một công cụ để thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, tiếp cận thị trường và năng lực cạnh tranh xuất khẩu phù hợp với Hiệp định TBT của WTO. Ấn phẩm nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà quản lý cũng như doanh nghiệp. Hiện nay Dự án đang tiến hành thu thập ý kiến đóng góp của nhiều nhóm đối tượng bổ sung cho ấn phẩm để chuẩn bị xuất bản lại.
*Ông có nhận xét như thế nào với việc thực thi cam kết về Hiệp định TBT tại Việt Nam?
-Phải nói rằng Việt Nam đã đạt những kết quả đáng khích lệ so với các thành viên mới gia nhập WTO thời gian gần đây. Chỉ trong thời gian ngắn, Việt Nam đã xây dựng mạng lưới TBT rộng khắp thông qua vai trò đầu  tàu của Văn phòng TBT. Với sự hỗ trợ của Dự án, Văn phòng đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, đặc biệt xử lý các nghĩa vụ công khai, minh bạch theo Hiệp định TBT có hiệu quả và đơn giản hơn; tổ chức nhiều đợt tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức về thách thức và cơ hội mà hiệp định TBT mang đến để các bên liên quan đối phó và tận dụng. Hiện nay Văn phòng tập trung phát triển các dịch vụ mang lại giá trị gia tăng như hợp tác chặt chẽ với các hiệp hội thông qua ký kết các thỏa thuận hoặc cung cấp thông tin về TBT tại thị trường các nước thành viên cho doanh nghiệp Việt Nam…Tuy nhiên, việc thực thi cam kết là một quá trình lâu dài, do đó Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực để đạt kết quả tích cực hơn
*Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, doanh nghiệp (DN) Việt Nam ngày càng mở rộng thị trường xuất khẩu. Ông có khuyến cáo gì về sự thích ứng của doanh nghiệp khi mở rộng thị trường?
-Hội nhập kinh tế quốc tế là quá trình diễn ra liên tục với những yêu cầu ngày càng cao và đa dạng. Điều đó đòi hỏi doanh nghiệp phải luôn cập nhật thông tin về thị trường mình muốn tiếp cận, chiếm lĩnh. Qua tìm hiểu thông tin, doanh nghiệp xác định được đối tác thương mại của mình ở các nước, thu thập thông tin cần thiết cho hoạt động xuất khẩu. Không chỉ tìm hiểu xem thị trường đó có nhu cầu hàng hóa gì, yêu cầu tiêu chuẩn thế nào, mà các doanh nghiệp còn phải chứng minh đã làm gì để hàng hóa của mình đáp ứng tiêu chuẩn đó. Một nguyên tắc quan trọng của WTO là minh bạch hóa, các thành viên có trách nhiệm thông báo cho nhau về dự thảo mỗi quyết định thương mại, xem xét quyết định đó ảnh hưởng như thế nào để có sự điều chỉnh hài hòa lợi ích các bên trước khi thông qua. Việt Nam có mạng lưới TBT rộng khắp và hiệu quả, DN có thể liên hệ Văn phòng TBT để nắm thông tin, từ thị trường đến mặt hàng xuất khẩu. Đồng thời, trong quá trình xuất khẩu, doanh nghiệp cũng nên hợp tác với nhà nhập khẩu vì chính họ là người biết rõ nhất về yêu cầu tiêu chuẩn với mặt hàng họ cần nhập. Như vậy, quá trình trao đổi thương mại sẽ mang lại lợi ích cho cả đôi bên.
*Xin cảm ơn ông!
Hoa Hồng (Thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc