Để liên kết bốn nhà được bền vững
Trong thời gian qua, liên kết bốn nhà (gồm: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) đã tạo sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong việc bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay liên kết bốn nhà vẫn còn khá lỏng lẻo, nhà nước chưa phát huy được vai trò “trọng tài” để tạo mối liên kết chặt chẽ trong sản xuất, tiêu thụ nông sản; nhà doanh nghiệp còn sợ rủi ro, ít quan tâm đến việc đầu tư cho vùng nguyên liệu; về phía nông dân còn một bộ phận còn thụ động, chưa thấy hết lợi ích của việc liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản; vai trò của nhà khoa học chưa thực sự được quan tâm đúng mức… Làm thế nào để liên kết bốn nhà được bền vững, là nội dung được các đại biểu quan tâm trong Hội thảo khoa học “Liên kết bốn nhà để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững”.
Nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông cần bắt tay nhau chặt hơn - Ông Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng Vụ Khoa học địa phương
Nhà doanh nghiệp phải chủ động liên kết với nông dân để tổ chức sản xuất đạt hiệu quả cao - Ông Nguyễn Văn Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT
Trong những năm vừa qua, khi thực hiện Quyết định 80/QĐ-TTg ngày 24-6-2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng thì doanh nghiệp đóng một vai trò hết sức quan trọng trong mối liên kết này. Doanh nghiệp chính là người đầu tư, người tìm ra thị trường, người thu mua nông sản và cung ứng vật tư cho nông dân sản xuất. Trên địa bàn Dak Lak, chúng ta có sản phẩm hàng hóa lớn nhất là cây cà phê, đây là lợi thế lớn của các doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp có phần ỷ lại, không chịu xây dựng vùng nguyên liệu cho mình. Tôi cho là đã đến lúc các doanh nghiệp phải tính đến việc liên minh với nông dân để tạo vùng nguyên liệu của chính mình. Chỉ khi đó mới có sản phẩm cà phê sản xuất theo quy trình tiên tiến, sản phẩm độc nhất và có thương hiệu riêng của mình. Và chỉ khi có thương hiệu thì giá mới nâng lên, đời sống nông dân cũng được nâng lên và doanh nghiệp được hưởng lợi cao hơn. Cho đến nay Sở NN-PTNT được sự giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới, chúng tôi bắt đầu xây dựng một số mô hình bốn nhà liên kết theo dạng liên minh trong ngành hàng cà phê. Để liên kết này được thực hiện bền vững, các doanh nghiệp phải chủ động liên kết với nông dân để tổ chức sản xuất ngành hàng của mình đạt hiệu quả tốt nhất. Bên cạnh đó, các vấn đề như: chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đầu tư vốn, tăng cường thông tin thị trường, đào tạo cho nông dân cần được phối hợp thực hiện có hiệu quả; xây dựng các chính sách để tạo sự liên kết bền vững; nông dân cần phải đổi mới, thay đổi phương pháp sản xuất theo định hướng hàng hóa.
Các nhà cần thực hiện tốt vai trò của mình - Ông Y Ghi Niê, Giám đốc Sở KH-CN
Nhà nước cần phát huy vai trò quản lý trong mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân - Y Sao Êban, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Thắng Lợi
Trong thời kỳ kinh tế hội nhập, các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc tạo mối quan hệ với các đối tác nước ngoài để đưa nông sản của nông dân Việt Nam nói chung, của Dak Lak nói riêng ra thị trường thế giới. Hơn 30 năm nay, Công ty chúng tôi đã thực hiện liên doanh liên kết sản xuất cà phê bền vững với nông dân ở các huyện Krông Pak, Cư M’gar. Công ty đã đầu tư vốn, kỹ thuật, máy móc, vật tư…, còn người nông dân thì đóng góp sức lao động, đất đai. Và chúng tôi đã cho ra đời những sản phẩm cà phê tốt để xuất khẩu, đồng thời góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, cà phê là sản phẩm xuất khẩu đòi hỏi chất lượng cao, do đó các khâu từ chăm sóc, thu hoạch đến chế biến phải đồng bộ và đúng quy trình kỹ thuật. Nhưng trên thực tế, phần đông nông dân trồng cà phê vẫn hái cà phê xanh, không đạt chất lượng như yêu cầu, điều này cũng khiến người nông dân bị mất mát rất nhiều đó là giá trị cà phê thấp, thất thoát sau thu hoạch cao… Đây được coi là khó khăn lớn nhất trong liên kết với người nông dân. Đó là chưa kể việc nông dân thiếu vốn sản xuất, phải bán ngay sản phẩm khi mới thu hoạch xong để tái đầu tư, trả nợ ngân hàng… Nhiều trường hợp, khi vừa bán hết thì giá cà phê lên và lúc này nông dân là người chịu thiệt thòi đầu tiên. Vì vậy, theo tôi nhà nước cần phải phát huy vai trò quản lý của mình trong mối liên kết này như đưa ra chính sách hợp lý, kịp thời để khuyến khích nông dân sản xuất cà phê đúng quy trình kỹ thuật, thu hoạch cà phê chín, phối hợp với doanh nghiệp thực hiện chế biến ướt. Đồng thời, điều tiết vốn, thực hiện việc dự trữ cà phê trong dân, để làm sao người nông dân như một nhà dự trữ. Nếu làm tốt việc này, doanh nghiệp và nông dân sẽ có môi trường hoạt động thuận lợi để thực hiện liên kết đạt kết quả tốt nhất.
Ý kiến bạn đọc