Multimedia Đọc Báo in

Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Thêm một chính sách mới cho phát triển lâm nghiệp bền vững

17:33, 09/04/2011

Là một trong những chủ trương, chính sách khá mới mẻ, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng  được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng mang lại hiệu quả thiết thực cho phát triển bền vững ngành lâm nghiệp, đẩy nhanh xã hội hóa công tác bảo vệ, phát triên rừng. Phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN VĂN VIỆT, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hiểu rõ thêm về vấn đề này.

ªViệc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP  của Chính phủ sẽ tác động như thế nào đến công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR), thưa ông?

 
- Như chúng ta đã biết, giá trị của rừng được xác định trên 2 mặt: trực tiếp và gián tiếp. Giá trị trực tiếp là gỗ và lâm sản ngoài gỗ, còn gián tiếp là những dịch vụ liên quan đến môi trường rừng. Trên thế giới người ta đã nghiên cứu sâu về vấn đề này và tính được rằng, giá trị gián tiếp chiếm khoảng 70%-80%, còn giá trị trực tiếp chỉ 20-30%. Như vậy, từ trước đến nay, chủ rừng chủ yếu chỉ được hưởng giá trị trực tiếp, tức là chỉ hưởng được trong mức 20-30% giá trị của rừng. Đến nay, có rất nhiều nước trên thế giới đã triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đối với Việt Nam, để bảo đảm phát triển rừng bền vững và có nguồn kinh phí cho công tác QLBVR, Chính phủ đã cho thực hiện thí điểm tại tỉnh Lâm Đồng và Sơn La theo Quyết định 380/2008/QĐ-TTg. Sau 2 năm triển khai, việc thực hiện chính sách này đã góp phần quan trọng  cho công tác QLBVR, cải thiện sinh kế cho người dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa.

ªVậy đối tượng nào phải thực hiện việc chi trả cho dịch vụ môi trường rừng?

- Đó là các nhà máy thủy điện với mức chi trả 20đồng/kWh điện thương phẩm; các cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch, mức chi trả 40 đồng/m3;  các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước; các tổ chức cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch có hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng, mức chi trả được tính 1%-2% trên doanh thu; riêng đối tượng sử dụng nguồn nước từ rừng cho nuôi trồng thủy sản sẽ có quy định mức phí chi trả sau.

ªQua thực hiện thí điểm Quyết định 380 tại 2 tỉnh Lâm Đồng và Sơn La, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của nó trong việc góp phần cải thiện đời sống của người trực tiếp tham gia QLBVR?

-Với chính sách này, giá trị gián tiếp mang lại từ rừng không chỉ góp phần cải thiện đời sống của một bộ phận người dân mà còn mang lại lợi ích cho toàn xã hội. Cụ thể: qua 2 năm triển khai thí điểm,  tỉnh Lâm đồng đã thu được trên 107 tỷ đồng từ các đối tượng phải chi trả là các nhà máy thủy điện, công ty cấp nước… Chính nguồn thu này đã phục vụ cho công tác QLBVR cũng như chi trả cho người dân, hộ gia đình, cộng đồng thôn, buôn nhận giao khoán.  Đến nay, đã có gần 10.000 hộ dân, trong đó gần 7.000 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Lâm Đồng được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách này. Cũng từ đó, công tác QLBVR ở đây hiệu quả hơn, giảm 50% vụ vi phạm lâm luật. Qua đó đã góp phần quan trọng trong thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo; xã hội hóa nghề rừng và huy động các nguồn lực tham gia QLBVR.

ªHiện còn không ít diện tích rừng được tạm giao về cho UBND cấp xã, phường quản lý, bảo vệ. Vậy chủ những diện tích đó có được hưởng lợi từ chính sách này?

- Tất cả những khu rừng có cung cấp dịch vụ môi trường rừng thì những người QLBVR phải được hưởng, đó là những người QLBV trực tiếp, gồm có 2 đối tượng: chủ rừng là các hộ gia đình, cộng đồng thôn, buôn trực tiếp nhận rừng và các hộ gia đình, cộng đồng dân cư nhận khoán QLBV lâu dài từ chủ rừng là các tổ chức, đơn vị Nhà nước. Chính vì vậy, đối với diện tích rừng tạm giao cho UBND cấp xã, phường thì không được hưởng lợi, vì các cấp này không phải là chủ rừng. Do đó, để có thể hưởng lợi từ chính sách này thì các tỉnh, thành phải nhanh chóng thực hiện giao khoán rừng cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư hoặc những tổ chức, đơn vị giúp Nhà nước thực hiện quản lý, bảo vệ.

ªXin cảm ơn ông!

L.H (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.