"Dây thừng" và cái "đinh"
Đồng chí Y Dhăm ví von: “Công trình XDCB là con trâu, GPMB là dây thừng, nếu mua dây thừng tốn nhiều kinh phí hơn mua trâu thì không nên làm”. Ý là hiện nay, nhiều công trình xây dựng có chi phí bồi thường, GPMB quá cao, làm giảm hiệu quả của dự án. Đơn cử, “con trâu” đường tránh Tây TP. Buôn Ma Thuột có tổng mức đầu tư 687 tỷ đồng, nhưng số tiền cho “dây thừng” lên đến hơn 282 tỷ (chiếm hơn 41% giá trị công trình). Theo kế hoạch, tháng 10-2014, đường này sẽ thông tuyến, nhưng toàn bộ mặt bằng chỉ được bàn giao cho đơn vị thi công vào… tháng 11-2014, làm cho công trình chậm tiến độ kéo dài. Còn đối với đường Đông – Tây được khởi công vào cuối tháng 9-2015, tổng kinh phí hơn 998 tỷ đồng, trong đó, kinh phí GPMB 220 tỷ đồng, với khoảng 650 hộ dân dọc tuyến bị ảnh hưởng. Theo kế hoạch, công tác GPMB phải được hoàn thành trong năm 2016, tuy nhiên, đến thời điểm này, mới thực hiện được một khối lượng rất nhỏ, đặc biệt, UBND TP. Buôn Ma Thuột đang gặp rất nhiều vướng mắc trong việc di dời trụ sở UBND xã Hòa Thắng do bị ảnh hưởng bởi dự án. Theo đồng chí Y Dhăm Ênuôl, khi triển khai các dự án XDCB, các sở, ngành, địa phương cần khảo sát kỹ lưỡng, xây dựng phương án và nguồn kinh phí GPMB một cách hợp lý để vừa giảm chi phí, vừa thuận lợi trong quá trình thực hiện.
Liên quan đến việc thu hút dự án đầu tư XDCB, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, địa phương đang trải thảm đỏ để đón các nhà đầu tư. Tuy nhiên, để chủ trương này thật sự hiệu quả thì cần hạn chế những cái “đinh” ở dưới tấm “thảm” ấy. “Thảm” ở đây là các chính sách ưu tiên, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đến đầu tư. Còn “đinh” là những chi phí không cần thiết, thái độ làm việc chưa chu đáo của cán bộ, thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục kéo dài… Trên thực tế, ở một số cơ quan, bộ phận vẫn còn đâu đó những cái “đinh” khiến công tác thu hút đầu tư chưa đạt kết quả như mong muốn...
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc