Multimedia Đọc Báo in

Thiên tai đâu chỉ do trời!

08:19, 09/04/2016
Nguồn nước ngày càng giảm kéo theo những thiệt hại do hạn hán ngày càng tăng đang gióng lên hồi chuông cấp báo về sự tàn khốc của thiên tai. Ở Đắk Lắk, đến cuối tháng 3, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định công bố tình trạng thiên tai cấp độ 1 tại 7 địa phương gồm: Ea H’leo, Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng và thị xã Buôn Hồ.

Một loạt các giải pháp đã được đưa ra và khẩn trương triển khai thực hiện, các địa phương tùy tình hình thực tế mà áp dụng những biện pháp chống hạn khẩn cấp theo hướng ưu tiên hàng đầu là cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, nước cho chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, nhất là bảo vệ diện tích cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao. Không thể phủ nhận những nỗ lực của các cấp, các ngành liên quan cùng người dân trong chống hạn, nhưng đó mới chỉ là giải pháp tình thế, nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra. Qua khảo sát một số địa phương có thể nhận thấy các giải pháp chống hạn đang được áp dụng đều chủ yếu là tập trung khai thác tối đa nguồn nước mặt, kết hợp với việc tìm khoan thêm nguồn nước ngầm, cùng với đó là đề nghị hỗ trợ kinh phí xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi. Nhưng nguồn nước này không phải là sẵn có, cũng không vô tận. Trước thực tế lượng mưa ít, nguồn nước ở các sông suối đã kiệt, dung tích nước ở các hồ chứa, đập thủy lợi chỉ còn rất thấp so với mức thiết kế và giảm nhanh xuống mực nước chết. Cùng với đó, nguồn nước ngầm suy giảm, mà hạn hán vẫn còn diễn tiến khốc liệt trong những ngày tới thì sẽ đến lúc không còn nước để khai thác. Như vậy, rõ ràng không thể cứ mãi bị động phụ thuộc vào nguồn nước sẵn có, mà về lâu dài phải tính đến việc chủ động tái tạo và giữ gìn nguồn nước.

Có thể nhận thấy, bên cạnh những hiện tượng tự nhiên diễn ra theo quy luật, cũng có những hiện tượng chịu sự tác động không nhỏ từ phía con người. Thể hiện rõ nhất như hiện tượng tự nhiên bất thường đang diễn ra. Đắk Lắk cũng như cả vùng Tây Nguyên khí hậu có hai mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa; rừng đóng vai trò chủ đạo trong việc điều hòa những biến động của tài nguyên nước mỗi năm. Nhưng nạn phá rừng những năm qua đã phá vỡ vai trò quan trọng đó, cùng với việc phát triển cây công nghiệp một cách ồ ạt, vượt xa quy hoạch kéo theo việc khai thác, sử dụng nước tưới vô tội vạ khiến nguồn nước ngầm sụt giảm đến mức báo động. Đó cũng là những nguyên nhân gây nên những biến đổi cực đoan của thời tiết. Rõ ràng, thiên tai đâu chỉ do trời?

Tại hội thảo về giải pháp khoa học công nghệ chống hạn và phát triển bền vững cây trồng chủ lực vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên do Bộ NN - PTNT phối hợp UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức, đã có rất nhiều ý kiến tham luận về việc chủ động nguồn nước tưới. Tuy nhiên việc thực hiện cần có lộ trình với những bước đi được tính toán một cách khoa học. Nhưng từ thực tế có thể thấy, một trong những giải pháp tái tạo và gìn giữ nguồn nước là cả cộng đồng cùng phải góp sức trả lại cho thiên nhiên sự cân bằng sinh thái bằng những việc làm thiết thực: trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng tự nhiên nhằm đảm bảo nguồn sinh thủy và chống bồi lắng lòng hồ; xây dựng vùng sản xuất phù hợp với quy hoạch, sử dụng nước tiết kiệm…

Hoa Hồng


Ý kiến bạn đọc