Multimedia Đọc Báo in

Khơi dòng động lực cho nông nghiệp…

07:24, 15/04/2018
Một hội nghị đối thoại trực tiếp với nông dân có tầm cỡ cả về quy mô và ý nghĩa đã được tổ chức vào ngày 9-4 vừa qua, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng khoảng 600 đại biểu gồm lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Trung ương; lãnh đạo hội nông dân 63 tỉnh, thành phố; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện các doanh nghiệp…
 
Với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới”, buổi đối thoại đã đề cập, mổ xẻ nhiều căn bệnh trầm kha những năm qua của ngành nông nghiệp. Từ thực tiễn sản xuất và quản lý, các đại biểu đã nêu vướng mắc, đặt ra nhiều câu hỏi trong tiêu thụ nông sản, vay vốn sản xuất, tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng… Chia sẻ với nông dân, Thủ tướng khẳng định điều quan trọng nhất của cuộc đối thoại là tháo gỡ trực tiếp những vấn đề khó khăn cho nông dân như thị trường, vốn và đất đai, công nghệ, đầu vào cho nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới...
 
Trồng ngô biến đổi gen tại xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ. Ảnh: Thanh Hường
Trồng ngô biến đổi gen tại xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ. Ảnh: Thanh Hường

Qua phân tích của đại biểu và người đứng đầu Chính phủ, “chìa khóa vàng” để hóa giải những vướng mắc, bất cập ấy chính là việc giải quyết "bài toán" thị trường, tìm các thị trường tiêu thụ mới. Tuy nhiên, nông dân sẽ rất “bí” nếu tự mình đi tìm lời giải. Để hạn chế tối đa tình trạng bị động, dư thừa sản phẩm, phải "giải cứu" như thời gian qua, bản thân nông dân cần thực hiện theo phương châm “không phải chỉ sản xuất cái đã có mà phải sản xuất cái thị trường cần”. Nhưng bên cạnh đó, một điều quan trọng nữa là các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã cũng cần “chung lưng đấu cật” với người nông dân. Sự phối hợp không còn dừng lại chỉ ở “4 nhà” mà là giữa “6 nhà”: Nhà nông, Nhà nước, Nhà khoa học, Nhà doanh nghiệp, Nhà băng và Nhà phân phối. Ở tầm chính sách vĩ mô, các địa phương cần xây dựng quy hoạch theo vùng, sản xuất phù hợp với năng lực; tập trung quyết liệt triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh phát triển chế biến sâu, sản phẩm mới, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm.

Kết thúc hội nghị đối thoại, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường cải cách hành chính, cải cách thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp, phải sát cơ sở hơn, phải lắng nghe hơn để tháo gỡ các vướng mắc. Hàng triệu nông dân thêm nhiều kỳ vọng khi người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh rằng: “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm sâu sắc hơn nữa đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân”. Việc “tiếp tục quan tâm sâu sắc hơn”, “phải sát cơ sở hơn, phải lắng nghe hơn”, đó chính là sự đồng hành mà nông dân luôn mong mỏi, để họ bớt đơn độc khi gánh trọng trách là trụ cột trong sản xuất của ngành nông nghiệp, khi cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang gõ cửa từng nhà, từng địa phương, từng quốc gia. Sâu sát với cơ sở, lắng nghe nhiều hơn, đối thoại nhiều hơn để thấu hiểu, tháo gỡ khó khăn một cách kịp thời. Đó cũng là cách để cơ chế chính sách được hoạch định, xây dựng, điều chỉnh, bổ sung và thực thi sát với thực tiễn. Có như vậy, nông nghiệp mới bớt "nghẽn dòng" và luôn có động lực để khơi thông vướng mắc; bức tranh nông nghiệp sẽ nhiều hơn những gam màu sáng và nông dân thêm tự tin phát triển kinh tế trên đồng đất của mình.

Đàm Thuần

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.