Sự "bảo chứng" cho giá trị thương hiệu
Điều đáng lo ngại là sản phẩm của Vinaca được bán theo hình thức đa cấp trên 20 tỉnh thành trong cả nước một thời gian dài và gần đây mới được phát hiện. Những “dược sĩ” - công nhân tham gia chế xuất loại thần dược này hầu hết lại là những người không biết gì về dược và làm việc trong môi trường rất nhếch nhác, mất vệ sinh. Trong khi đó, đại diện Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết: Bột than tre có tác dụng trong một vài trường hợp như cầm máu, giải độc nhưng chưa từng có nghiên cứu nào cho thấy than tre có tác dụng điều trị hay hỗ trợ điều trị bệnh ung thư.
Sản phẩm Vinaca Co3.2 đã bị thu hồi trên toàn quốc. Ảnh minh họa |
Chưa bàn sâu đến sự vô lương tâm bất chấp an toàn tính mạng của con người vì lợi nhuận, điều nực cười là trước khi bị phát hiện loại thuốc điều trị ung thư làm từ bột than tre, Vinaca đã từng lọt vào Top 10 thương hiệu hàng đầu của Việt Nam năm 2017. Những thông tin được quảng cáo trên website vinaca.vn cho thấy, giấy chứng nhận được cấp bởi Viện Công nghệ chống làm giả (Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam); Trung tâm Tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thương hiệu (Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam) và Tạp chí Hàng hóa và thương hiệu.
Từ câu chuyện của Vinaca, công luận có quyền đặt câu hỏi: liệu đây có phải là trường hợp hy hữu và tính pháp lý của những giấy chứng nhận này đến đâu? Thủ tục, quy trình, công tác kiểm định của lực lượng chức năng thực hiện đến mức nào mà để một công ty như Vinaca, với cơ sở sản xuất vô cùng nhếch nhác, nhân lực không có kiến thức như vậy mà sản phẩm cũng cấp được chất lượng cao, được vinh danh gương mặt doanh nhân tiêu biểu? Có hay không việc cấp giấy chứng nhận chỉ căn cứ những thủ tục trên bàn giấy mà doanh nghiệp cung cấp cộng thêm một khoản lệ phí nhất định? Nếu những nghi ngại ấy là sự thật thì tính pháp lý của những giấy chứng nhận, giám định hàng hóa chỉ là vỏ bọc hình thức và vô hình trung đã trở thành đồng phạm lừa dối người tiêu dùng.
Trước ma trận hàng hóa thật – giả lẫn lộn, người tiêu dùng vẫn được khuyên hãy là người tiêu dùng thông thái. Và một trong những căn cứ giúp họ sáng suốt hơn khi lựa chọn sản phẩm là tìm hiểu xuất xứ, thành phần, hạn sử dụng..., trong đó một yếu tố rất có sức thuyết phục là những thông tin về tem chứng nhận, các công bố giám định về hàng hóa được dán trên bao bì. Từ vụ việc của Vinaca, rõ ràng việc tổ chức cấp phép, cấp bằng, cấp Cup và giấy chứng nhận cần luôn luôn được chấn chỉnh và siết chặt để làm “bảo chứng” uy tín cho những giấy chứng nhận… Đó cũng là điều trở thành căn cứ tin cậy giúp người tiêu dùng tiếp tục giữ niềm tin, ưu tiêu dùng hàng Việt, đặc biệt tự hào với những thương hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao”.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc