Multimedia Đọc Báo in

Chặn lãng phí từ gốc

09:11, 03/05/2019

Báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào cuối tháng 4 vừa qua đã cho thấy những chuyển biến rõ nét trong lĩnh vực này.

Sự quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ đã thể hiện bằng nhiều chính sách về tài chính, thuế, ngân sách nhà nước được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới; cải cách hành chính về thuế, hải quan được đẩy mạnh, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Chi ngân sách nhà nước được kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn. Cơ cấu chi chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt trên 28,8% (mục tiêu là 25 - 26%), chi thường xuyên còn dưới 62% tổng chi ngân sách nhà nước (mục tiêu là dưới 64%).

Tuy nhiên bên cạnh tin vui ấy thì chung quanh câu chuyện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chính phủ cũng đã thẳng thắn nhìn nhận và chỉ ra những hạn chế có thể xem như những ngọn nguồn phản ánh sự thất thoát, ấy là: khi đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), tỉnh có chỉ số cao nhất mới chỉ được 47,05 điểm, khoảng cách còn khá xa so với điểm tối đa (80 điểm).

(Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)

Việc cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính có lĩnh vực hiệu quả thấp, đặc biệt là nhóm thủ tục môi trường và xây dựng. Còn 552/713 đơn vị hành chính cấp huyện (chiếm 77,42%) chưa hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai; 55 tỉnh, thành phố chưa liên thông thủ tục giữa cơ quan tài nguyên và môi trường với cơ quan thuế, trong khi đây là yếu tố quan trọng để quản lý nguồn thu từ đất đai… Việc chậm giải ngân kế hoạch vốn đầu tư vẫn chưa được khắc phục, đến ngày 31-1-2019 chỉ đạt khoảng 75% kế hoạch vốn Quốc hội giao, đặc biệt vốn ngoài nước chỉ đạt khoảng 50%, nhiều địa phương giải ngân đạt thấp.

Đó là những con số có thể coi như lãng phí ở quy mô lớn, hiện hữu, được thống kê, đo đếm. Trên thực tế còn muôn kiểu lãng phí vô hình hoặc ngỡ là nhỏ, chẳng thấm tháp gì so với những đại án tham nhũng nhưng khi nhỏ mà nhiều, phổ biến thì "gió" cũng đã góp thành "bão", sức tàn phá cũng khôn lường.

Trên nhiều diễn đàn, tại các cuộc hội nghị, hội thảo, có rất nhiều giải pháp được đưa ra và triển khai để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhưng giải pháp hiệu quả, lâu dài nhất là phải đi vào cái gốc của vấn đề. Điều ấy có nghĩa phải ngăn chặn lãng phí từ gốc để tiết kiệm được từ gốc chứ không đơn giản chỉ là chuyện cứ xảy ra lãng phí rồi mới chấn chỉnh, xử lý, giải quyết. Cái gốc ở đây có thể xem xét ở phương diện luật pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Ngay từ quá trình soạn thảo, ban hành các đạo luật, tinh thần thực hành tiết kiệm đã phải được chú trọng; phải đủ sức răn đe và khả thi để ngay bản thân đạo luật ra đời cũng không bị lãng phí.

Trong triển khai thực hiện, cái gốc để phòng chống tham nhũng, lãng phí còn là vai trò nêu gương của người đứng đầu và kiểm soát quyền lực của người đứng đầu bởi đây là nhân vật nắm “chìa khóa tổng” khi điều hành hoạt động tại các cơ quan, đơn vị, cũng như nhiều chương trình, dự án. Thêm một cái gốc nữa ấy chính là xây dựng cơ chế để nhân dân được tham gia nhiều hơn vào quá trình kiểm tra, giám sát. Họ sẽ là những “tai mắt” công tâm và khách quan để giúp Nhà nước quản lý, sử dụng hiệu quả tiền thuế của dân. Và để hạn chế "đất sống" của lãng phí, phải coi công khai, minh bạch không chỉ là giải pháp mà còn là nguyên tắc hoạt động quản lý, điều hành; thậm chí minh bạch, công khai cả việc xử lý những sai phạm.

Đàm Thuần

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.