Đừng để "lạc nhịp"
Thời gian qua, Chính phủ và ngành Ngân hàng đã có nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Thế nhưng một vài sự cố liên quan đến hình thức thanh toán này không khỏi khiến nhiều người phải e dè.
Mới đây, một khách hàng ở TP. Hồ Chí Minh bị Ngân hàng HSBC Việt Nam áp lãi nặng vì chưa thanh toán hết dư nợ tín dụng của kỳ trước đang thu hút sự chú ý của dư luận. Theo phản ánh của vị khách hàng này, anh có tiêu 100 triệu 400 nghìn đồng trong thẻ tín dụng ở kỳ thanh toán tháng 4-2019, nhưng mới thanh toán được 100 triệu đồng, còn 400 nghìn đồng anh định để đến kỳ sau sẽ thanh toán vì nghĩ rằng số lãi không đáng kể.
Thế nhưng khi nhận được sao kê của tháng sau, anh mới “giật mình” bởi phần lãi mà ngân hàng tính lên đến gần 3 triệu đồng, tức gấp hơn 7 lần dư nợ gốc. Khi thắc mắc, anh được ngân hàng này giải thích rằng, chính sách của họ là trong trường hợp người dùng thẻ tín dụng không thanh toán đầy đủ tổng số dư nợ cuối kỳ trước hoặc đúng ngày đến hạn thanh toán, tiền lãi sẽ được tính trên toàn bộ số dư kể từ ngày giao dịch phát sinh và trên tất cả các giao dịch mới cho đến khi toàn bộ số dư được thanh toán đầy đủ. Và ngân hàng đã làm đúng theo như hồ sơ mở thẻ mà khách hàng này ký tên vào.
Ảnh minh họa: Internet |
Vấn đề đúng – sai đã rõ, bởi phía ngân hàng đã làm theo đúng thỏa thuận trong hồ sơ mở thẻ. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, thị trường thẻ tín dụng hiện nay có hai phương thức tính lãi, một là cách tính như trên, hai là tính lãi cho phần dư nợ chưa thanh toán. Và để phát huy lợi thế của thẻ tín dụng, hầu hết các ngân hàng đều có chính sách miễn lãi 45 – 55 ngày cho chủ thẻ. Nếu khách hàng thanh toán trước kỳ sao kê thì sẽ không bị tính một đồng lãi nào. Nhưng nếu sau thời hạn đó thì sẽ bị các ngân hàng tính lãi trên số tiền đã tiêu ở kỳ trước, phổ biến là từ 2,5% – 3,2%/tháng. Chưa kể, nếu không thanh toán đúng hạn, nợ trên thẻ tín dụng còn bị chuyển nhóm nợ sang nợ xấu và hiển thị trên lịch sử tín dụng của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) – gây khó khăn cho các giao dịch sau này của chủ thẻ.
Theo đại diện một ngân hàng thương mại có thị phần thẻ tín dụng lớn tại Đắk Lắk, việc khách hàng lâm vào tình trạng như trên có thể là do nhân viên phát hành thẻ không phổ biến đầy đủ quy định của ngân hàng hoặc khách hàng không đọc kỹ hồ sơ mở thẻ trước khi ký. Đáng nói là tình trạng không phổ biến đầy đủ quy định của ngân hàng không phải là hiếm, bởi áp lực bảo đảm chỉ tiêu số lượng thẻ phải thực hiện khiến nhân viên phát hành thường bỏ qua hoặc "lướt nhanh" bước này. Do đó, để tận dụng được những ưu điểm của thẻ tín dụng, khách hàng cần đọc kỹ và hiểu tất cả những chính sách của các tổ chức phát hành thẻ, nhất là các quy định về thời hạn thanh toán, lãi, phí rút tiền… để tránh phải trả những giá "quá đắt" cho các giao dịch của mình.
Thiết nghĩ, trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang nỗ lực thực hiện các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt thì sự cố như trên bỗng trở nên “lạc nhịp”, có thể khiến những cố gắng trước đó trở nên uổng phí khi khách hàng mất niềm tin. Để tránh những sự việc tương tự xảy ra, các tổ chức phát hành thẻ cần có giải pháp phổ biến quy định của mình một cách cụ thể, minh bạch hơn, giúp khách hàng hiểu và sử dụng thẻ tín dụng hiệu quả.
Quốc Anh
Ý kiến bạn đọc