Multimedia Đọc Báo in

Cần thống nhất một số quan điểm khi xây dựng Bộ quy tắc ứng xử "Người Đắk Lắk văn minh - thân thiện - mến khách"

09:43, 20/06/2021

Báo Đắk Lắk số ra ngày 30-5-2021 có đăng bài “Xây dựng Bộ quy tắc ứng xử "Người Đắk Lắk văn minh - thân thiện - mến khách" và kêu gọi sự đóng góp ý kiến của dư luận.

Tôi xin được đóng góp một vài ý kiến như sau:

Việc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã đề xuất xây dựng Bộ quy tắc ứng xử “Người Đắk Lắk văn minh - thân thiện - mến khách” gắn với Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 là việc làm cần thiết để cải thiện hình ảnh của địa phương nhằm thu hút du khách, góp phần phát triển ngành du lịch của tỉnh lên một tầm cao mới.

Việc xây dựng hình ảnh đẹp về con người - vùng đất để thu hút khách du lịch là điều mà nhiều địa phương, thậm chí các đô thị phát triển mạnh về du lịch cũng đã làm từ rất sớm. Như tỉnh Quảng Ninh có hai đơn vị: Hạ Long xây dựng thành phố du lịch “văn minh, thân thiện”; huyện đảo Cô Tô xây dựng hình ảnh người dân “Thân thiện, thật thà, mến khách”. Tỉnh Lâm Đồng: Người Đà Lạt – Lâm Đồng “Hiền hòa, thanh lịch, mến khách”; thành phố Việt Trì: Thanh lịch, thân thiện, mến khách, giàu tính nhân văn, mang đậm tình người Đất Tổ; thị xã Cửa Lò (Nghệ An): Con người Cửa Lò văn minh, thân thiện, mến khách… Thật ngẫu nhiên, Đắk Lắk cũng chủ trương xây dựng hình ảnh “Người Đắk Lắk “văn minh - thân thiện - mến khách" như tiêu đề của thị xã Cửa Lò.

Vấn đề mà tác giả bài báo đã nêu lên để trưng cầu ý kiến của người dân đó là nội dung và hình thức của Bộ quy tắc ứng xử. Về nội dung, có ý kiến cho rằng, những gì luật, quy định đã có thì không cần phải nêu lại, nội dung nào luật chưa có thì mới đưa vào, phải có nét bản sắc riêng của Đắk Lắk. Về hình thức, phải hết sức ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Việc thực hiện Bộ quy tắc sau khi xây dựng phải được triển khai trên tất cả các lĩnh vực, phải tạo được thương hiệu để mời gọi du khách đến với Đắk Lắk…

Theo tôi, trước hết cần phải thống nhất quan điểm về mục đích của việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử. Trong bài báo đã nêu có đề cập đến việc chúng ta đang thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL). Vậy nên việc tỉnh Đắk Lắk xây dựng Bộ quy tắc ứng xử “Người Đắk Lắk văn minh - thân thiện - mến khách" là sự cụ thể hóa Bộ quy tắc của Bộ VH-TT&DL vào hoàn cảnh, điều kiện đặc thù của tỉnh Đắk Lắk. Việc xác định này sẽ giúp định hướng lựa chọn nội dung, hình thức, đối tượng, phạm vi áp dụng cho Bộ quy tắc của tỉnh.

Du khách giao lưu văn hóa văn nghệ khi đến tham quan tại Đắk Lắk. Ảnh: Hoàng Gia
Du khách giao lưu văn hóa văn nghệ khi đến tham quan tại Đắk Lắk. Ảnh: Hoàng Gia

Qua tham khảo một số quy tắc ứng xử văn minh du lịch của một vài địa phương đã nêu, cho thấy hầu hết các địa phương trên đã vận dụng Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch của Bộ VH-TT&DL. Các nhóm quy tắc trong Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch của Bộ VH-TT&DL có hai phần: Nội dung đầy đủ và nội dung rút gọn. Các địa phương đều vận dụng hình thức của Bộ quy tắc này, có đơn vị sáng tạo thêm bằng cách cô đúc lại bằng một thông điệp sau mỗi nhóm quy tắc áp dụng cho mỗi nhóm đối tượng; và tổng hợp các thông điệp nhóm đó sẽ làm nổi rõ thông điệp chung bao trùm mà địa phương đó hướng đến. Riêng Đà Nẵng có cách làm độc đáo là chỉ chọn một số quy tắc nổi bật rồi thể hiện bằng tranh cổ động để người dân dễ nhớ.

Như vậy, cần phải coi Bộ quy tắc ứng xử của Bộ VH-TT&DL là Bộ quy tắc khung để làm căn cứ xây dựng Bộ quy tắc của Đắk Lắk (chứ không phải là cái nào Bộ đã quy định rồi thì không nêu lại như có ý kiến đã đề cập). Và cũng cần phân định rõ luật và quy tắc ứng xử. Bộ quy tắc ứng xử là các quy định cho từng nhóm đối tượng liên quan, dựa trên các chuẩn mực về văn hóa, đạo đức…, có tính chất định hướng (“nên” làm hoặc “không nên” làm) chứ không phải có tính chất bắt buộc như các điều luật, nên đương nhiên không thể đưa các điều luật vào Bộ quy tắc. Đồng thời, căn cứ đặc thù địa phương để vận dụng và làm rõ, cụ thể thêm một quy tắc nào đó có trong Bộ quy tắc khung, coi đó như là bản sắc riêng của địa phương (ví dụ về bảo vệ môi trường thì chúng ta có rừng, động vật hoang dã, nguồn nước; về văn hóa truyền thống thì có luật tục, sinh hoạt cộng đồng… cần được nghiên cứu để xây dựng quy tắc ứng xử phù hợp).

Cuối cùng là đối tượng, phạm vi áp dụng. Khi đã xác định Bộ quy tắc của tỉnh là cụ thể hóa Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch của Bộ VH-TT&DL thì có nhất thiết áp dụng rộng rãi trên phạm vi toàn tỉnh, bao trùm trên các mặt của đời sống xã hội hay không? Hay chỉ cần xác định là lĩnh vực hoạt động du lịch, các vùng có địa điểm du lịch, các đối tượng tham gia vào hoạt động du lịch như quy định của Bộ VH-TT&DL?

Dương Thế Hoàn


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.