Multimedia Đọc Báo in

Cấp thiết đẩy nhanh Dự án bảo tồn voi Dak Lak

08:06, 17/04/2012

Theo thống kê, đàn voi hoang dã Dak Lak hiện chỉ còn trên 100 cá thể nhưng đang đứng trước nguy cơ suy giảm nhanh chóng. Đặc biệt, thời gian gần đây, voi chết liên tiếp được phát hiện khiến không ít người lo lắng. Trong khi đó, Dự án bảo tồn voi đã được phê duyệt và trải qua gần nửa chặng đường, nhưng công tác bảo tồn lại triển khai ì ạch, hay đúng hơn  là “dẫm chân tại chỗ”.

Một tuần phát hiện 3 voi chết

Chỉ trong vòng một tuần (từ 26 đến 31-3) trên địa bàn huyện Ea Súp đã phát hiện 3 con voi hoang dã bị chết. Báo cáo của Hạt Kiểm lâm Ea Súp cho biết: ngày 26-3, tại khoảnh 4, tiểu khu 289 thuộc địa bàn xã Cư M’lan người dân trong lúc đi làm rẫy đã phát hiện một con voi rừng con 4 - 5 tháng tuổi, nặng khoảng 120 kg đã chết. Theo nhận định của cơ quan chức năng, nhiều khả năng con voi này xuống suối uống nước không lên được, voi mẹ xuống cứu đã vô tình giẫm chết con. Tiếp đó, ngày 31-3, người dân lại phát hiện một cá thể voi chết bên hồ nước chỉ cách vị trí con con voi rừng gặp nạn ngày 26-3 khoảng 30m. Đây là con voi đực  khoảng 3 - 4 năm tuổi, cao hơn 1m, dài gần 2m, nặng khoảng 400 - 500kg. Nguyên nhân voi chết được xác định có thể do voi ăn sắn bị say và ngã xuống hồ chết. Cùng ngày 31-3, tại tiểu khu 283, thuộc địa bàn xã Ea Bung, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện một cá thể voi đực trưởng thành cao 2,4m, dài 4,3m, nặng khoảng 1,5 - 2 tấn đã chết trước đó khoảng 1 tháng. Tại hiện trường cho thấy, phần đầu voi đã bị đục; ngà, đuôi, vòi và đế bàn chân của voi bị kẻ gian lấy đi.

Voi Pak Cú bị kẻ thủ ác chém hàng trăm nhát và chết cuối năm 2010 nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra thủ phạm.
Voi Pak Cú bị kẻ thủ ác chém hàng trăm nhát và chết cuối năm 2010 nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra thủ phạm.

Theo ông Lê Văn Trọng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ea Súp thì nhiều khả năng con voi này đã bị thợ săn chuyên nghiệp giết hại để lấy ngà, đuôi...

Trước đó, vào cuối năm 2010 và trong năm 2011 tại huyện Ea Súp cũng đã có 3 con voi rừng bị chết, trong đó một con đã bị lấy đi nhiều bộ phận.

Ì ạch triển khai dự án

Để bảo vệ đàn voi Dak Lak, cuối năm 2010, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án bảo tồn voi Dak Lak giai đoạn 2010-2015, với tổng kinh phí 61 tỉ đồng, nhằm quản lý bền vững quần thể voi hoang dã, phát triển đàn voi nhà, bảo tồn bản sắc văn hóa bản địa, tuyên truyền giáo dục về môi trường sinh thái. Theo đó, khoảng 100 con voi hoang dã và 60 voi nhà sẽ được theo dõi, chăm sóc sinh sản tại 2 trạm bảo tồn voi đặt ở huyện Ea Súp và Lak. Cùng với đó, Trung tâm bảo tồn voi Dak Lak sẽ được xây dựng trên diện tích 200 ha, trong đó 100 ha để chăn thả voi, ươm trồng các loại cây voi thích ăn, phần diện tích còn lại phục vụ việc xây dựng bệnh viện voi.

Vậy nhưng, sau khoảng 2 năm triển khai, dự án vẫn rất ì ạch và dẫn đến nhiều bất cập. Cụ thể: để có đất thành lập Trung tâm bảo tồn voi, UBND tỉnh đã có công văn gửi Bộ NN-PTNT xin chuyển 163 ha đất tại Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn để xây dựng trung tâm, nhưng Bộ đã không đồng ý. Lý do là diện tích đất này nằm trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Yok Đôn. Bộ cũng lưu ý: Dự án bảo tồn voi tại Dak Lak và nhiệm vụ bảo tồn voi của VQG Yok Đôn cần có sự phối hợp, để không chia cắt hệ sinh thái tự nhiên. Sau khi Bộ NN-PTNT không đồng ý, Trung tâm Bảo tồn voi Dak Lak và UBND tỉnh lại chuyển sang khảo sát khoảng 200 ha thuộc rừng phòng hộ Buôn Đôn để xây dựng trung tâm. Như vậy, đến nay đã hơn nửa chặng đường, dự án vẫn chỉ dừng lại ở việc loay hoay… tìm đất xây dựng trung tâm!

Theo ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn voi Dak Lak, sở dĩ Dự án bảo tồn voi ở Dak Lak triển khai ì ạch là do “thiếu đủ thứ”. Rõ nhất là nguồn kinh phí bảo tồn voi giai đoạn 2010-2015 là 61 tỷ đồng, nhưng đến nay trung tâm mới chỉ được giải ngân 350 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ trả lương cho cán bộ, nhân viên trung tâm, còn vốn để thực hiện dự án đến nay không biết đang nằm ở đâu! Cũng theo ông Luân, để bảo tồn đàn voi hoang dã, vấn đề sống còn là cần duy trì không gian sống của chúng. Thế nhưng, trong những năm qua hàng chục ngàn ha rừng ở Buôn Đôn và Ea Súp (nơi sinh sống của voi rừng) đã bị “cạo trọc”, do tình trạng phá rừng làm nương rẫy tràn lan và việc thu hồi đất rừng để giao cho các dự án trồng rừng, trồng cao su... vì thế không gian sinh sống của voi ngày càng thu hẹp; chính điều này đã tạo nên xung đột người-voi ngày càng phức tạp.

Trong khi chờ quỹ đất và nguồn kinh phí triển khai Dự án bảo tồn voi, những con voi hoang dã ít ỏi còn lại vẫn bị bọn săn trộm rình rập tìm mọi cách giết hại để lấy ngà, lấy lông đuôi. Đã có nhiều vụ voi bị giết hại được phát hiện, nhưng chưa có nhóm thủ phạm nào bị các cơ quan chức năng truy tố, xét xử mà chỉ mới dừng lại ở việc điều tra rồi bỏ đó… Với cách làm hời hợt, “đánh trống bỏ dùi” như vậy, nguy cơ đàn voi hoang dã Dak Lak tuyệt chủng đang hiện hữu.

Yên Thành


Ý kiến bạn đọc