Multimedia Đọc Báo in

Công khai tên các tổ chức, cá nhân có sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi trên phương tiện thông tin đại chúng

09:23, 14/04/2012

Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã có đánh giá tồn dư hóa chất độc hại trong thịt lợn siêu nạc tại tỉnh Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, có 10/30 mẫu có tồn dư chất tạo nạc.

Với con số 40% số mẫu mua tại thành phố Hồ Chí Minh bị phát hiện có tồn dư Beta-agonist, trong đó đến 90% ở khu vực trung tâm, nơi có số lượng khách hàng lớn và có hệ thống kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng, ban quản lý chợ, cửa hàng và sự giám sát của người tiêu dùng hiểu biết là vấn đề đáng quan tâm và lo ngại.

Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng kiến nghị các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công Thương thực hiện xử phạt nghiêm và công khai danh sách các tổ chức, cá nhân chăn nuôi, giết mổ và kinh doanh thịt lợn có tồn dư chất tạo nạc trên phương tiện thông tin đại chúng.

a
Ảnh minh họa

Chất tạo nạc thuộc nhóm Beta-agonist đã bị cấm ở Việt Nam từ năm 2002. Trong nhóm này có 3 chất được dùng để tạo nạc là clenbuterol, salbutamol và ractopamine.  3 chất này đứng đầu trong danh mục 18 chất kháng sinh, hóa chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi ở nước ta, riêng hai chất salbutamol và clenbuterol cả thế giới đều cấm. Việc ăn phải thịt lợn chứa clenbuterol về lâu dài có thể gây biến chứng ung thư hoặc đột biến tế bào ngộ độc cấp, run cơ, đau tim, tim đập nhanh, tăng huyết áp, choáng váng..., thậm chí gây chết người. Dư lượng của clenbuterol tồn tại trong võng mạc mắt và tóc lâu tới vài tháng.

Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam khuyến cáo, để chọn thịt lợn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng không nên mua thịt lợn nhiều nạc. Thịt ở những con lợn nuôi theo kỹ thuật thông thường, khỏe mạnh có màu hồng tươi, lớp mỡ dày khoảng 2cm, mỡ màu trắng, thớ thịt mịn, chắc, có độ đàn hồi tốt. Người tiêu dùng tránh mua những loại thịt có mông và vai nở to, bắp thịt cuộn lên một cách khác thường nếu quầy còn để nguyên con. Thịt đã qua pha cắt thì có thể phân biệt bằng quan sát tỷ lệ nạc trên miếng thịt như nạc quá nhiều, màu hơi sậm hoặc màu đỏ khác thường, sáng và bóng, nạc gần như dính vào da, phần mỡ rất mỏng, lỏng lẻo.

Đ.T (tổng hợp)

 

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc