Multimedia Đọc Báo in

Ẩn họa từ những chiếc công nông

06:30, 07/12/2012

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tục có nhiều vụ tai nạn chết người do xe công nông gây ra, hoặc liên quan đến xe công nông; sự việc càng “nóng” khi vào cao điểm mùa cà phê nhu cầu sử dụng công nông tăng cao. Những chiếc công nông đã và đang là những “hung thần”, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông tại các con đường liên xã.

“Hung thần” trên các tuyến đường giao thông nông thôn

Những chiếc công nông thiếu các tiêu chuẩn an toàn, phóng nhanh, người điều khiển không được đào tạo về an toàn giao thông, xem thường tính mạng người đi đường… đã trở thành hiểm họa di động trên các con đường giao thông ở vùng nông thôn.

Mới đây nhất, khoảng 18 giờ ngày 28–11, chị Trần Thị Minh (SN 1994) điều khiển xe máy chở phía sau chị Bùi Thị Xuân (SN 1996), chạy hướng Lâm Đồng – TP. Buôn Ma Thuột. Khi đến km 500+700 Quốc lộ 27, xe máy va chạm với xe công nông đi ngược chiều do Y Tia Je (SN 1992, trú tại xã Dak Nuê, huyện Lak) điều khiển, khiến chị Bùi Thị Xuân bị thương nặng và tử vong trên đường đi cấp cứu.

Trước đó không lâu, vào 18 giờ 30 ngày 24–11, Y Se Kdoh (SN 1990, trú tại xã Cư Dliê Mnông, huyện Cư M’gar) điều khiển xe công nông chở cà phê đi nộp sản lượng cho Công ty Cà phê Drao. Khi đến đoạn đường liên xã thuộc buôn Brah (xã Cư Dliê M’nông), xe công nông va chạm với xe mô tô, khiến người điều khiển xe mô tô là Y Hum Kdoh (SN 1987, trú cùng buôn) tử vong tại chỗ. Nguyên nhân được xác định là do Y Hum điều khiển xe mô tô chạy nhanh, lấn sang phần đường còn lại. Dù không phải lỗi của mình nhưng Y Se vẫn day dứt khôn nguôi, vì nạn nhân chính là anh họ của Y Se.

Cách đó hai ngày, vào khoảng 18 giờ ngày 22–11, Phạm Ngọc Lâm (SN 1978, trú tại thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) điều khiển xe mô tô đâm vào xe công nông chạy ngược chiều khiến anh tử vong tại chỗ. Nguyên nhân là do trời tối, xe công nông không bảo đảm đủ ánh sáng khiến nạn nhân không nhận biết được.

Vào chiều tối 6–11, xe công nông BKS 47–MK1.6033 do Trần Văn Xin (SN 1984) điều khiển đi lấn đường đã đâm vào xe mô tô ngược chiều, khiến nạn nhân Lê Văn Đông (SN 1973, trú tại xã Ea Ô, huyện Ea Kar) chết tại chỗ. Sau vụ tai nạn, người lái xe công nông bỏ trốn khỏi hiện trường, đến hôm sau mới ra trình diện.

Trước đó không lâu, ngày 20–10 tại đường liên xã Quảng Điền (huyện Krông Ana), Trần Văn Thể điều khiển xe máy cày càng tay không biển kiểm soát, lấn đường, va chạm với xe mô tô ngược chiều, khiến người điều khiển là anh Trần Quan (SN 1971, trú tại xã Quảng Điền) chết tại chỗ. Sau khi gây tai nạn, lợi dụng đường vắng, Thể lái xe bỏ trốn khỏi hiện trường…

Xe công nông không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, người điều khiển thiếu ý thức là những nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông.
Xe công nông không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, người điều khiển thiếu ý thức là những nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông.

Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông

Xe công nông do các cơ sở cơ khí nhỏ tự chế tạo, không theo một quy trình, tiêu chuẩn kiểm định nào. Xe có kích thước nhỏ, cơ động, len lỏi đến mọi ngõ ngách, khả năng vượt lầy tốt, đặc biệt rất thích hợp với địa hình ở vùng nông thôn, miền núi. Hơn nữa, xe công nông có giá rẻ, gắn với nông dân Tây Nguyên từ nhiều năm nay nên được sử dụng phổ biến.

Sở Giao thông Vận tải cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 46.000 xe công nông, máy cày tay, máy kéo nhỏ. Theo quy định, các phương tiện này phải đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển phải có giấy phép lái xe hạng A4. Tuy nhiên, số phương tiện đăng ký, đăng kiểm và người điều khiển có giấy phép chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không chỉ thế, phần lớn xe công nông đều chở quá trọng tải cho phép; hàng hóa, nông sản chất cao lại thêm người ngồi vắt vẻo trên thùng xe.

Anh Nguyễn Đình Xuyên, người dân huyện Cư Kuin bị xe công nông đâm gãy tay nhận xét: Đi đường gặp xe công nông nguy hiểm nhất là vào ban đêm, bởi xe công nông không có đèn, không xi nhan, không còi nên khi qua đường, lùi xe rất dễ gây tai nạn. Trời chập choạng tối, xe công nông lại chạy nhanh, thiếu đèn nên rất khó nhận biết cho người đi đường để tránh.

Qua thống kê của cơ quan chức năng cho thấy: tai nạn giữa xe công nông với xe máy chủ yếu xảy ra ở các đường liên xã, vào thời điểm chuyển từ chiều sang tối, do xe công nông thiếu ánh sáng.

Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 46/2004/CT–TTg có hiệu lực từ 1–1–2008, cấm xe công nông lưu thông trên quốc lộ. Nhưng tại Dak Lak, do đặc thù địa phương nên xe công nông vẫn được sử dụng nhiều, đặc biệt là vào mùa cà phê. Điều đáng nói là ý thức của người điều khiển xe: chạy nhanh, vượt ẩu, coi thường tính mạng người đi đường, xe không bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn giao thông… khiến nguy cơ gây tai nạn tăng cao.

 Hà Thương


Ý kiến bạn đọc