Cần xử lý dứt điểm sự cố ô nhiễm môi trường của Nhà máy chế biến tinh bột sắn M'Đrắk
Chưa khắc phục xong sự cố xả thải gây ô nhiễm môi trường, Nhà máy chế biến tinh bột sắn tại xã Krông Á (huyện M’ Đrắk) lại tiếp tục lắp đặt hệ thống dẫn nước từ hồ chứa nước đập thủy lợi Krông Á II dẫn về nhà máy để phục vụ hoạt động chế biến tinh bột sắn. Việc làm này đã gây bức xúc trong người dân địa phương bởi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nước phục vụ sản xuất.
Nhà máy chế biến tinh bột sắn (gọi tắt là nhà máy) tại xã Krông Á do Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Bình Phước đầu tư xây dựng với công suất 20.000 tấn/năm, đi vào hoạt động từ tháng 9 - 2016. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian hoạt động thử nghiệm, nhà máy đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong quá trình hoạt động, lượng nước thải của nhà máy chảy xuống khu vực nhánh suối Krông Á, làm ô nhiễm nguồn nước, khiến nhiều diện tích cây trồng của người dân bị thiệt hại nặng nề. Thời gian đầu nhà máy chỉ xả thải ra môi trường vào ban đêm, về sau nhà máy công khai xả cả ngày lẫn đêm với khối lượng nước thải lớn. Sự việc được đẩy lên đỉnh điểm khi cuối tháng 3-2017, nhân dân thôn 3 đã chặn tất cả các loại xe ra vào nhà máy và yêu cầu công ty phải khắc phục hậu quả thì nhà máy này mới dừng hoạt động (Báo Đắk Lắk đã có bài viết phản ảnh).
Trước sự phản ứng của người dân, ngày 29-3-2017, ông Lê Phong Vân (Giám đốc nhà máy) đã làm cam kết với người dân xã Krông Á không xả thải ra môi trường khi có mùi hôi, nước không đạt tiêu chuẩn. Sau 15 ngày nếu còn xả thải nhà máy sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm. Mặc dù nhà máy cũng đã tiến hành bồi thường thiệt hại cho người dân theo đúng thỏa thuận, song nhiều người cho rằng số tiền bồi thường mà nhà máy đã chi trả chỉ có thể giải quyết được vấn đề trước mắt, về lâu dài cần phải có biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với nguồn nước và diện tích cây trồng đã bị ảnh hưởng, đồng thời xử lý triệt để lượng nước thải, không trực tiếp thải ra môi trường như thời gian vừa qua.
Một hồ chứa nước thải bên trong nhà máy chế biến tinh bột sắn sủi bọt đục ngầu và bốc mùi hôi nồng nặc. |
Để có cái nhìn khách quan, phóng viên đã có buổi làm việc với đại diện nhà máy sắn và được ông Cao Trọng Nghĩa, Quản lý xây dựng nhà máy cho biết, trong thời gian qua, nhà máy chạy thử nghiệm với công suất 150 tấn/ngày đêm, lượng nước thải được thu gom vào hệ thống xử lý hồ lắng sau đó được đưa qua hầm biogas rồi sang hồ trung hòa, sau đó tiếp tục qua khâu xử lý sinh hóa rồi ra hồ chứa. Theo tiêu chuẩn thì nước tại hồ chứa bảo đảm các chỉ tiêu về môi trường, có thể nuôi cá bình thường, một phần tái sử dụng, còn một phần được xả thải ra môi trường. Tuy nhiên, ông Nghĩa thừa nhận trên thực tế, quá trình xử lý ô nhiễm chưa triệt để nên nước thải sau khi ra đến hồ chứa vẫn còn bị ô nhiễm nặng. Việc để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường khiến nhiều diện tích cây trồng của người dân bị thiệt hại, ô nhiễm nguồn nước suối Krông Á là do sự cố vỡ đập ngăn tại khu vực hồ chứa và sân phơi bã sắn. Sau khi có phản ánh của người dân và chính quyền địa phương, nhà máy đang tiến hành đào thêm 4 hồ xử lý nước thải.
Trong khi việc đào thêm hồ chứa mới được nhà máy triển khai, chưa nói lên điều gì thì theo phản ánh người dân, mới đây nhà máy lại tiến hành lắp đặt đường ống dẫn nước từ hồ chứa nước đập thủy lợi Krông Á II dẫn về nhà máy. Được biết, trong đánh giá tác động môi trường, nhà máy nói rõ là sẽ sử dụng nước từ hệ thống giếng khoan. Người dân lo ngại việc nhà máy sử dụng một lượng lớn nước tại khu vực hồ chứa nước này để phục vụ hoạt động chế biến tinh bột sắn sẽ tác động không nhỏ đến lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bà Nguyễn Thị Thúy (thôn 2) băn khoăn: “Sau sự cố xả thải, hơn 2 sào ao nuôi cá của gia đình tôi bị ảnh hưởng, hệ thống nước tưới tiêu bị cát vùi lấp không có nước tưới cho cây trồng. Nếu bây giờ nhà máy lại sử dụng nước từ đập thủy lợi thì sẻ ảnh hưởng rất lớn đến lượng nước phục vụ sản xuất của người dân trong vùng”.
Ông Phạm Ngọc Minh, Giám đốc Công ty Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk - Chi nhánh huyện M’Đrắk cho biết, việc Nhà máy chế biến tinh bột sắn lắp đặt hệ thống dẫn nước tại hồ chứa nước đập thủy lợi Krông Á II về nhà máy là có thật. Tuy nhiên, mới đây UBND huyện M’Đrắk đã có văn bản yêu cầu nhà máy dừng việc lắp đặt và dẫn nước để tránh tình trạng gây thiếu nước phục vụ sản xuất, ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của người dân.
Phạm Hồng
Ý kiến bạn đọc