Phường Ea Tam: Nhiều hộ dân mong mỏi nguồn nước sạch
Mặc dù sống giữa lòng thành phố, thế nhưng hàng chục năm nay, khoảng 1.500 hộ dân ở nhiều khu vực trên địa bàn phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) vẫn sống trong cảnh không có nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt.
Sinh sống và lập nghiệp ở khu vực nhóm liên gia 6, Tổ dân phố 11 (phường Ea Tam) đã gần 20 năm nay, cũng là chừng đấy thời gian gia đình chị Bùi Thanh Loan phải dùng nguồn nước giếng để phục vụ mọi nhu cầu sinh hoạt. Được biết, trước khi lập gia đình và ra ở riêng, chị Loan sống cùng bố mẹ, để có nguồn nước phục vụ sinh hoạt, gia đình chị phải đào giếng.
Tuy nhiên, ban đầu nguồn nước còn đáp ứng nhu cầu sinh hoạt nhưng dần qua các năm, do thời tiết khô hạn nên vào mùa khô nước giếng không đủ dùng. Đến đầu năm 2011, khi lấy chồng và xây dựng nhà riêng, để có nguồn nước sử dụng, vợ chồng chị Loan phải kéo nhờ đường ống từ giếng nước của gia đình hàng xóm, bởi diện tích đất nhà chị chỉ đủ xây nhà và khu vực nhà chị cũng rất khó đào giếng lấy nước.
Giếng nước của gia đình ông Trần Văn Thơ (Tổ dân phố 11) nằm giữa vườn cây nên rất dễ bị ô nhiễm. |
Chị Loan bày tỏ: “Khoảng cách từ nhà đến khu vực trung tâm thành phố chỉ khoảng hơn 5 km, nhưng đến nay chúng tôi vẫn không có nguồn nước sạch để dùng, dù đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương. Trong khi đó, xung quanh khu vực này đều là đất rẫy trồng cây ăn quả, cây công nghiệp khá nhiều. Chúng tôi rất lo lắng nguồn nước sẽ không bảo đảm vệ sinh do ảnh hưởng bởi lượng thuốc hóa học bón cho cây trồng”.
Với gia đình ông Trần Văn Thơ (Tổ dân phố 11), kinh tế của cả gia đình chủ yếu trông chờ vào việc thu hoạch sản phẩm từ cây trồng trên đất vườn xung quanh nhà. Bao nhiêu năm nay, mỗi khi phải đi mua phân, thuốc về trị cây trồng bị sâu bệnh, ông đều hỏi kỹ ngưới bán rồi mới dám mua. Theo ông Thơ, nguồn nước gia đình dùng hằng ngày đều là nước giếng nằm giữa vườn nên ông không dám dùng nhiều phân bón hóa học cho cây, bởi sợ ảnh hưởng đến chất lượng nước. Đó là chưa kể đến việc vào mùa khô của những năm trước nguồn nước không đủ dùng. Nếu có hệ thống nước sạch, ông sẵn sàng đầu tư chi phí để kéo đường ống, bởi cứ dùng nguồn nước giếng như hiện nay không biết sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào.
Tương tự, ở các khu vực như nhóm liên gia 2, 4, 11, 12 thuộc Tổ dân phố 5; liên gia 6, 7, 8, 9 thuộc Tổ dân phố 11, khu vực đường Nguyễn Trường Tộ thuộc Tổ dân phố 6, người dân cũng sống trong cảnh mỏi mòn chờ hệ thống nước sạch từ nhiều năm qua.
Trao đổi vấn đề này với chính quyền địa phương, ông Lê Đình Dương, Phó Chủ tịch UBND phường Ea Tam cho biết: “Dẫu biết trên địa bàn phường vẫn còn nhiều hộ dân không có nguồn nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt, nhưng thời gian qua địa phương vẫn chưa có cách giải quyết. Bởi theo kế hoạch, các hộ dân dọc những tuyến đường chính trên địa bàn phường sẽ được sử dụng hệ thống nước sạch khi Dự án cấp nước cho TP. Buôn Ma Thuột và 3 huyện Ea Kar, Krông Năng, Buôn Đôn đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đến thời điểm này Dự án trên vẫn chưa hoàn thiện, riêng đối với các khu vực ở xa đường ống cấp nước thì địa phương sẽ xin ý kiến từ phía Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk để tìm giải pháp kéo đường ống nước sạch cho người dân”.
Chị Bùi Thanh Loan (bên phải) kéo nhờ đường ống từ giếng nước nhà hàng xóm để dùng trong sinh hoạt. |
Có thể nói, việc sử dụng nguồn nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt là một yêu cầu bức thiết của các hộ dân, nhất là đối với người dân ở khu vực thành phố, nơi mật độ dân số đông, nguồn nước chịu tác động bởi nhiều yếu tố; đặc biệt là tác động từ việc các hộ dân đều đào hố xây dựng nhà vệ sinh tự hoại gần cạnh các giếng nước. Mặc khác, nguồn nước ngầm ngày càng khan hiếm, có nơi phải khoan, đào sâu gần cả trăm mét mới có nguồn nước. Chính vì thế, niềm mong mỏi nguồn nước sạch của các hộ dân trên địa bàn phường là nhu cầu chính đáng, thiết thực, cần được các cơ quan, ban ngành sớm xem xét và giải quyết.
Trên địa bàn phường Ea Tam hiện có khoảng 1.500 hộ dân chưa có hệ thống nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tập trung ở các khu vực thuộc Tổ dân phố 4, 5, 6, 9 và 11. |
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc