Multimedia Đọc Báo in

Xe dù tung hoành, xe buýt "thoi thóp"! (Kỳ 1)

09:27, 25/09/2019

Những năm gần đây, tình trạng xe "dịch vụ" - xe không đăng ký kinh doanh hoạt động lộn xộn, bát nháo đã cạnh tranh không lành mạnh với các phương tiện vận tải có giấy phép hoạt động, đặc biệt đối với xe buýt, làm cho loại xe này đang bị thu hẹp dần "đất sống".

Kỳ 1: Tràn lan xe dịch vụ

Không bến bãi, không cơ quan quản lý, không niêm yết giá, không đóng thuế..., những chiếc xe 4 chỗ, 7 chỗ "nhiều không” này đang ngang nhiên hoạt động tại rất nhiều tuyến giao thông chính từ các huyện đến TP. Buôn Ma Thuột và ngược lại, khiến hoạt động vận tải trở nên lộn xộn.

Cần là có

Trong vai người cần di chuyển nhanh từ thị trấn Krông Kmar (huyện Krông Bông) về TP. Buôn Ma Thuột, chúng tôi được cung cấp một số điện thoại xe dịch vụ chuyên chạy tuyến này. Đúng giờ như đã hẹn, tài xế xe 7 chỗ, BKS: 47A-167.xx đón tại vị trí chúng tôi đang đứng. Trên xe lúc này đã có 2 người lớn và 2 trẻ em. Trên đường di chuyển, xe tiếp tục đón thêm 2 khách nữa, tổng cộng trên xe có 6 người lớn và 2 trẻ em (trừ tài xế). Tài xế xe này cho biết, phí cố định cho mỗi khách từ Krông Bông đến Buôn Ma Thuột !(hoặc ngược lại) là 50 nghìn đồng/người. Phạm vi đón trả khách tại TP. Buôn Ma Thuột là từ Bến xe phía Nam đến Bến xe liên tỉnh theo địa chỉ khách yêu cầu.

Xe dịch vụ gia đình chờ gom khách trên đường Phan Bội Châu (TP. Buôn Ma Thuột).
Xe dịch vụ gia đình chờ gom khách trên đường Phan Bội Châu (TP. Buôn Ma Thuột).

Tương tự, tại tuyến TP. Buôn Ma Thuột – Ea Súp, chúng tôi cũng dễ dàng “book” nhanh một xe dịch vụ 4 chỗ BKS: 47A-204.xx qua 1 cuộc điện thoại. Tài xế nhiệt tình đưa đón tận nơi với giá 80 nghìn đồng cho chặng đi. Thời điểm xuất phát tại Siêu thị Co.op Mart Buôn Ma Thuột, xe chỉ mới có 1 khách nên tài xế cố nán lại tại bến xe buýt trên đường Nguyễn Tất Thành để tìm thêm khách. Mặc dù tài xế đã hạ giá để thuyết phục, những người đang chờ xe buýt vẫn không lay chuyển. Sau khi đón thêm một khách nữa, tài xế lái xe vòng qua trạm xe buýt trên đường Lê Hồng Phong (phía sau Bảo tàng tỉnh). Chờ hơn 5 phút mà vẫn chưa tìm thêm được khách nào, tài xế mới bắt đầu chạy về hướng thị trấn Ea Súp.

Hoạt động công khai

Có mặt trên đường Phan Bội Châu, trước khu vực Chùa Sắc tứ Khải Đoan (TP. Buôn Ma Thuột) vào trưa 17-9-2019, chúng tôi chứng kiến tình trạng chèo kéo khách diễn ra công khai. Trong vai một hành khách có nhu cầu di chuyển từ TP. Buôn Ma Thuột về xã Ia R'vê (huyện Ea Súp), tôi được tài xế giới thiệu chiếc xe Innova loại 7 chỗ đang đậu trên đường Phan Bội Châu, BKS: 47A-245.xx. Khi bảo mình đang chờ bạn học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh (trên đường Lê Hồng Phong) cùng đi luôn, tài xế nhanh chóng đáp trả: "Em cứ lên xe, bảo bạn ở đó, bọn anh sẽ đưa xe lên đón, khỏi mất tiền xe ôm". Tôi từ chối khéo bằng cách nói rằng, cần xe về xã Ia R'vê, tài xế tiếp tục thuyết phục là cứ lên xe vào thị trấn rồi đón xe buýt vào xã. Dù từ chối nhiều lần, lái xe vẫn dùng những lời “ngọt” để chèo kéo khách. Không riêng gì tôi mà đối với những khách ngồi quán nước bên đường chờ xe buýt, hay chờ 1 xe dịch vụ khác đều bị chèo kéo như vậy.

Qua tra thông tin tại Phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở Giao thông vận tải), các xe BKS: 47A-204.xx, BKS: 47A-167.xx… đều không đăng ký kinh doanh. Việc các chủ phương tiện đưa xe ra hoạt động kinh doanh vận tải là sai quy định.

Chủ xe BKS: 47A-204.xx chạy tuyến Ea Súp – Buôn Ma Thuột cho biết, anh có thể chạy lên đến 4 vòng (8 chuyến/ngày) vào những ngày khách có nhu cầu di chuyển nhiều, với thu nhập bình quân khoảng 500 nghìn đồng/ngày. Mỗi xe chỉ phải chi trả các khoản xăng, nhớt, khấu hao xe... chứ không phải đóng thuế, phí theo quy định nhờ gắn mác “xe gia đình”.

Hiện tuyến Ea Súp – Buôn Ma Thuột có hơn 40 xe dịch vụ 4 chỗ, 7 chỗ chuyên đưa đón khách và nhận gửi hàng hóa, hoạt động mạnh khoảng 3 - 4 năm trở lại đây. Bên cạnh các chủ xe chỉ sở hữu một phương tiện và tự lái thì đã có một số người trang bị nhiều phương tiện và thuê tài xế chạy nên số lượng phương tiện này ngày càng nhiều, đón, trả khách ở bất cứ địa điểm nào trên tuyến. Để tồn tại, mỗi xe đều phải giữ uy tín của mình đối với khách, đón khách đúng thời gian đã hẹn, đúng địa điểm khách yêu cầu...

Xe dịch vụ đậu đỗ trên đường Hùng Vương (huyện Ea Súp).
Xe dịch vụ đậu đỗ trên đường Hùng Vương (huyện Ea Súp).

Trong khi đó, tài xế xe BKS: 47A-167.xx chạy tuyến Krông Bông – Buôn Ma Thuột cho hay, tuyến này hiện có 6 xe 7 chỗ, 4 xe 16 chỗ và 2 xe bán tải chuyên đưa đón khách, nhận gửi hàng, hoạt động theo hình thức nhận đặt chỗ qua điện thoại. Hầu hết tài xế là chủ sở hữu của chính chiếc xe ấy và kết nối chặt chẽ với nhau qua việc quy định mức giá chung, chia sẻ khách... Mỗi xe đều tự quy định giờ xuất phát khác nhau với bình quân 2 vòng (4 chuyến/ngày).

Ngoài liên lạc bằng điện thoại, các xe còn tự quảng bá mình thông qua các trang mạng xã hội để khách hàng dễ tìm kiếm hơn khi có nhu cầu. Bản thân tài xế này chạy xe dịch vụ tuyến Krông Bông – Buôn Ma Thuột được khoảng 2 năm nay, thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng. Buổi sáng, xe xuất phát lúc 6 giờ tại TP. Buôn Ma Thuột, chuyến cuối cùng từ thị trấn Krông Kmar xuất phát lúc 15 giờ. Ngoài xe của anh còn có 3 xe khác của người thân trong gia đình cùng chạy tuyến này nên hầu như khách gọi lúc nào cũng có xe đón.

Theo tìm hiểu, hầu hết các xe dịch vụ gia đình thực hiện đưa, đón khách ở bất cứ điểm nào trên các tuyến phố để di chuyển về các huyện, thị xã trong tỉnh. Trong đó, tập trung nhiều ở các tuyến đường, khu vực có trạm xe buýt như Lê Hồng Phong, Phan Bội Châu, Nguyễn Tất Thành… thông qua hình thức mời chào, chèo kéo trực tiếp và gọi điện thoại trước… Mọi hoạt động đều diễn ra một cách công khai.

(Còn nữa)

Xuân Trường – Bảo Bình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.