Multimedia Đọc Báo in

Đừng "đánh đu" tính mạng với chợ ven đường

22:39, 18/06/2020
Sáng 13-6 vừa qua đã xảy ra vụ tai nạn thương tâm khi một chiếc xe tải lao vào chợ bên đường  ở huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông  khiến 5 người tử vong, 5 người bị thương. Vụ tai nạn thảm khốc này lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những nguy hiểm tiềm ẩn của tình trạng họp chợ ven đường.
 
Đây không phải là lần đầu tiên những vụ tai nạn kiểu như vậy xảy ra. Còn nhớ vào tháng 8-2019, một chiếc xe khách mất lái đã đâm thẳng vào những người họp chợ ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai khiến 4 người tử vong và nhiều người khác bị thương. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn thương tâm như vậy. Có thể do lái xe thiếu tập trung, phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật... Nhưng tất cả đều có một điểm chung là xảy ra trên tuyến quốc lộ, với lưu lượng xe cộ qua lại đông đúc và hiện trường là những khu chợ họp bên lề đường.
 
Hiện trường vụ tại nạn thảm khốc tại huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông vào sáng 13-6
Hiện trường vụ tại nạn thảm khốc tại huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông vào sáng 13-6
 
Đi dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, thậm chí là đường liên xã, tình trạng họp chợ trên vỉa hè sát lòng đường là khá phổ biến. Nhiều nơi, bất chấp phương tiện giao thông qua lại, người buôn, người bán tràn ra cả lề đường, thậm chí chiếm luôn cả lòng đường. Nếu những chợ họp ở đường nội thị, đường liên xã chỉ gây ách tắc giao thông, mất vệ sinh và mỹ quan thì các chợ ven tỉnh lộ và nhất là quốc lộ còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất lớn.
 
Bất chấp chính quyền các địa phương nỗ lực sắp xếp nơi buôn bán cho tiểu thương, sử dụng nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng này như tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở, thậm chí là "dẹp", nhưng "chợ" vẫn cứ tồn tại. Mỗi người đều có cái lý của mình để biện minh cho việc làm này, mà đa phần cứ đổ tại vì kế mưu sinh nên mới lấn chiếm lòng, lề đường buôn bán. Nhiều nơi còn diễn ra tình trạng trạng tiểu thương tìm cách đối phó, chống đối, chửi bới người thi hành công vụ để lấy đường làm nơi buôn bán.
 
Sau vụ tai nạn thảm khốc tại Đắk Nông, nhiều chợ ven đường vẫn tiếp tục tồn tại. (Ảnh chụp trên đường Quốc lộ 27, đoạn qua xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột chiều 18-6)
Có nhiều bài học sau vụ tai nạn thảm khốc ở Đắk Nông, nhưng cảnh buôn bán tràn cả ra đường vẫn tiếp tục diễn ra. (Ảnh chụp trên đường Quốc lộ 27, đoạn qua xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột chiều 18-6)
 
Nói đi cũng phải nói lại, có cầu thì mới có cung. Có một thực tế là nhiều người vẫn giữ thói quen mua hàng ở những chợ họp ven đường, ngồi trên yên xe rê một nhoáng là đã xong buổi chợ. Thế nhưng ngoài yếu tố tiện lợi ra, việc đi chợ kiểu đó chỉ "góp phần" là nguyên nhân để "chợ" tồn tại, tạo thêm cảnh nhốn nháo, mất trật tự an toàn giao thông và quan trọng nhất là nguy hiểm đến tính mạng cho người bán lẫn người mua và cả phương tiện lưu thông qua những cung đường này.
 
Do đó, để không xảy ra những vụ tai nạn giao thông thương tâm như vừa qua, cần có biện pháp quyết liệt hơn nữa để hạn chế tình trạng họp chợ ven đường. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng bên cạnh xử lý tiểu thương vi phạm cũng cần xử lý nghiêm những người mua hàng ở các chợ vi phạm an toàn giao thông. Chỉ khi ý thức của người buôn bán và người dân nâng lên thì mới hy vọng tình trạng họp chợ trái phép hai bên đường không còn tái diễn, bớt đi những vụ tai nạn thảm khốc.
 
Giang Nam

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.