Multimedia Đọc Báo in

Thí sinh cân nhắc kỹ trước khi chọn nghề cho tương lai

18:05, 21/03/2014

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, từ ngày 17-3 thí sinh (TS) bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) vào các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) tại các cơ sở giáo dục đang học, nhưng theo ghi nhận của PV, hiện TS còn thận trọng, cân nhắc ngành nghề.

Để giúp TS thêm một lần nữa nắm vững những thay đổi của Bộ GD-ĐT trước khi đặt bút lựa chọn ngành nghề, trường học, PV Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với ông Phan Hồng - Giám đốc Sở GD-ĐT về những điểm mới căn bản cũng như sự chuẩn bị của ngành cho kỳ  thi quan trọng này!

IMG_9873.JPG
Ông Phan Hồng- Giám đốc Sở GD-ĐT Dak Lak


Thưa ông! Sát nút thời gian nộp hồ sơ ĐKDT ĐH, CĐ Bộ GD-ĐT mới công bố Quy chế tuyển sinh cũng như phát hành cuốn cẩm nang tuyển sinh. Liệu điều này có làm cho ngành lúng túng trong triển khai công tác tuyển sinh?
 
Tuyển sinh ĐH, CĐ là việc làm thường niên của ngành, vì vậy hằng năm Sở GD-ĐT đều đưa vào nhiệm vụ trọng tâm của năm học và  triển khai cho các trường THPT, Trung tâm GDTX. Cùng với đó, ngành chủ động phối hợp với các trường đại học, cơ quan thông tấn báo chí trung uơng và địa phương đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyển sinh hướng nghiệp cho học sinh. Mặc dù theo quy định của Bộ GD-ĐT ngày 17-3 các trường bắt đầu nhận hồ sơ, nhưng các cơ sở giáo dục chủ yếu vẫn tiếp tục làm công tác tư vấn, hướng nghiệp cho thí sinh đăng ký ngành nghề theo đúng năng lực, sở trường và nhu cầu xã hội.

Rút kinh nghiệm từ những mùa tuyển sinh trước, ngay khi Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế tuyển sinh, Sở GD-ĐT Dak Lak đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác tuyển sinh, tập huấn phần mềm tuyển sinh cho cán bộ quản lý và đội ngũ cán bộ phụ trách công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nhằm tránh những sai sót trong quá trình nhập dữ liệu và chuyển dữ liệu cho các trường ĐH, CĐ. Thực tế chứng minh, nhờ chủ động trong tất cả các khâu, nên mặc dù là tỉnh có số lượng  hồ sơ đăng ký dự ĐH, CĐ chỉ đứng sau TP. Hồ Chí Minh (khoảng 50 nghìn bộ hồ sơ), nhưng Dak Lak được Bộ GD-ĐT đánh giá là đơn thực hiện bảo đảm đúng tiến độ, ít sai sót.

 Không ít phụ huynh và học sinh lo lắng, với những điều chỉnh của Bộ GD-ĐT về khu vực và đối tượng ưu tiên; bởi như vậy, quyền lợi của TS Dak Lak ít nhiều bị ảnh hưởng?
 

Đúng vậy! kỳ thi ĐH, CĐ năm nay có nhiều đổi mới, nhưng hầu hết là những điều chỉnh có lợi cho TS như: các trường đại học được tuyển sinh tối đa 2 lần mỗi năm, bổ sung thêm nhiều đối tượng được cộng điểm ưu tiên, mở rộng diện miễn thi đại học… Trong đó quy định về đối tượng ưu tiên cũng có nhiều điều chỉnh ở đối tượng con em đồng bào dân tộc thiểu số, con người có công, đối tượng quân nhân, công an nhân dân hoàn thành nghĩa vụ quân sự... Cụ thể, đối tượng ưu tiên 01 theo quy định cũ là "công dân Việt Nam có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số." Thông tư sửa đổi nêu chặt chẽ và mở rộng hơn: "Công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú tại các thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2015 được quy định tại Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19-9-2013 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 01-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013-2015." Đối tượng "Quân nhân, công an nhân dân hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đã xuất ngũ có thời gian phục vụ từ 18 tháng trở lên" thuộc nhóm đối tượng 03 được sửa thành: "Quân nhân, công an nhân dân đã xuất ngũ, được công nhận hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ theo quy định." Như vậy, đối tượng này không cần phải đợi đến 18 tháng sau khi xuất ngũ mới được hưởng ưu tiên như quy định cũ. Bên cạnh việc sửa đổi thì nhiều đối tượng mới đã được bổ sung vào danh sách được cộng điểm ưu tiên. Bổ sung đối tượng "con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 81% trở lên" vào đối tượng 04. Bổ sung đối tượng “chỉ huy trưởng, chỉ huy phó ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn; thôn đội trưởng, trung đội trưởng dân quân tự vệ nòng cốt, dân quân tự vệ đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ nòng cốt từ 12 tháng trở lên, dự thi vào ngành quân sự cơ sở" vào đối tượng ưu tiên 05. Bổ sung đối tượng "công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú ở ngoài khu vực đã quy định thuộc nhóm ưu tiên 1" vào đối tượng 06. Bổ sung đối tượng "người khuyết tật nặng" vào đối tượng 07. Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là một điểm, giữa hai khu vực kế tiếp là nửa điểm.

Với những thay đổi về đối tượng, khu vực ưu tiên thì học sinh tỉnh Dak Lak không bị ảnh hưởng đến quyền lợi khi thi tuyển, xét tuyển, thậm chí còn có những thuận lợi hơn khi đối tượng ưu tiên  được bổ sung.

Thí sinh tìm hiểu thông tin về kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ  do Báo Tuổi trẻ phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức tại Trường Đại học Tây Nguyên
Thí sinh tìm hiểu thông tin về kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ do Báo Tuổi trẻ phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức tại Trường Đại học Tây Nguyên (Ảnh: tư liệu)

Thời gian để TS cân nhắc, lựa chọn ngành nghề không còn nhiều, vậy ông có lời nhắn nhủ dành cho TS? 

Chọn thi một ngành, một trường ĐH hoặc CĐ là các em đã chọn một nghề để lập thân lập nghiệp. Theo tôi, xuất phát điểm của TS khi chuẩn bị vào ngưỡng cửa ĐH, CĐ phải là sở thích, sở trường, năng khiếu. Tiếp theo, phải cân nhắc nhu cầu việc làm của các ngành. Nếu xác định được điều quan trọng này sẽ có ý nghĩa đối với cả cuộc đời... hơn là tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Thi trường nào, ngành nào để dễ đậu?”. Đậu rồi nhưng chỉ là sự trú chân tạm bợ, không một chút tâm huyết gì với ngành nghề đó  thì làm sao các em có thể phát huy hết năng lực, sở trường của mình? Kế tiếp là phải biết lượng sức mình, hãy ưu tiên cho sở thích, nguyện vọng, sở trường của mình, bên cạnh đó các em cũng cần nghiên cứu điều kiện kinh tế của gia đình có phù hợp với ngành, trường mình chọn hay không?. Điều quan trọng tôi cũng muốn nói với các em rằng: bằng cấp không phải là điều kiện duy nhất đem đến thành công trong cuộc sống. Nếu không chọn con đường vào ĐH hoặc CĐ, các em có thể chọn một trường nghề để vào đời.
 

Xin cảm ơn ông!

Nguyên Hoa (thực hiện)

 

 


Ý kiến bạn đọc