Multimedia Đọc Báo in

Tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2015-2016: Hầu hết các trường đều xét tuyển

17:22, 29/05/2015

Năm học 2015-2016, hầu hết các trường THPT của tỉnh Dak Lak đều sử dụng hình thức xét tuyển vào lớp 10, trừ 2 trường THPT: Chuyên Nguyễn Du và Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng là thi tuyển. Để có cái nhìn toàn diện hơn về hình thức tuyển sinh này, phóng viên Báo Dak Lak đã trao đổi nhanh với ông Phan Hồng, Giám đốc Sở GD-ĐT.

Gia
Giám đốc Sở GD-ĐT Phan Hồng trả lời phóng viên Báo Dak Lak về công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2015-2016
 
  +Thưa ông, xuất phát từ đâu mà ngành Giáo dục tỉnh lại quyết định sử dụng hình thức xét tuyển vào lớp 10 đối với hầu hết các trường THPT thay vì duy trì tổ chức thi tuyển đối với ở một số trường “top trên” như các năm học trước?
 
Theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, Sở GD-ĐT Dak Lak đã nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh cải tiến công tác tuyển sinh đầu cấp phù hợp với chủ trương chung của Đảng, Nhà nước. Việc không tổ chức thi tuyển vào lớp 10 THPT sẽ giảm áp lực cho xã hội, cho các em học sinh, phụ huynh cũng như các nhà trường. Không thi tuyển đầu cấp sẽ góp phần hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm gây áp lực với học sinh, phụ huynh, tạo bức xúc trong xã hội và làm giảm uy tín của ngành. Với những lý do trên, Sở GD-ĐT quyết định sử dụng hình thức xét tuyển vào lớp 10 theo địa bàn dân cư, phù hợp với điều kiện đến trường của các em. Học sinh học và xét tốt nghiệp THCS ở địa phương nào thì đăng ký xét tuyển vào lớp 10 ở các trường THPT trên địa bàn địa phương đó. Duy nhất 2 trường chuyên biệt là THPT Chuyên Nguyễn Du và THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng tổ chức thi tuyển, nhằm tuyển chọn những em học sinh xuất sắc để đào tạo chất lượng cao và giáo dục đặc thù cho tỉnh.
 
    +Căn cứ xét tuyển và chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2015-2016 được thực hiện như thế nào thưa ông?
 
 Căn cứ xét tuyển vào lớp 10 là kết quả học tập trong 4 năm học bậc THCS, không dựa vào kết quả học tập của năm học lớp 9. Việc căn cứ vào kết quả 4 năm học sẽ giúp công tác xét tuyển chính xác, công bằng hơn, quan trọng hơn qua đó thấy được sự nỗ lực, cố gắng của bản thân các em học sinh trong suốt bậc học. Chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT tiếp tục được xác định như một vài năm gần đây. Năm học 2014-2015 toàn tỉnh dự kiến có hơn 30.000 HS tốt nghiệp THCS. Theo đó, năm học 2015-2016 các trường THPT sẽ tuyển 24.875 em vào học lớp 10 (chiếm tỷ lệ 82,9%), 3.050 em học hệ bổ túc THPT (chiếm 10,2%), còn lại 2.096 em sẽ học nghề. Từ năm học 2012-2013, ngành bắt đầu triển khai thí điểm mô hình dạy văn hóa kết hợp dạy nghề tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, bước đầu nhận được sự đồng thuận của học sinh (HS) và phụ huynh. Phát huy kết quả bước đầu, ngành đang cố gắng gắn kết giữa đào tạo nghề với dạy văn hóa ở hệ bổ túc THPT. Đây được xem là giải pháp thiết thực góp phần thực hiện tốt chủ trương phân luồng HS sau THCS vào học nghề hoặc trung học chuyên nghiệp. 
 
    + Không tổ chức thi tuyển vào lớp 10 THPT có nhiều mặt lợi, nhưng nếu thực hiện không chặt chẽ sẽ dẫn đến tình trạng “chạy điểm, chạy hộ khẩu” để vào học ở những trường có chất lượng, xin cho biết quan điểm của ông về vấn đề này?
 
Vấn đề này cũng đã được đề cập và bàn bạc rất kỹ trong quá trình xây dựng phương án tuyển sinh đầu cấp năm học 2015-2016. Sau khi UBND tỉnh phê duyệt phương án tuyển sinh này, Sở GD-ĐT sẽ chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, đặc biệt là những huyện, thị xã, thành phố có nhiều trường THPT để cùng thực hiện công tác tuyển sinh đúng quy định, công bằng, khách quan, đặc biệt là có những biện pháp “siết” tình trạng phụ huynh chạy hộ khẩu, chạy điểm, chạy trường, tạo sự công bằng thực sự trong môi trường giáo dục. Xét về mặt xã hội, xét tuyển vào lớp 10 sẽ tiết kiệm một khoản ngân sách không nhỏ (chi phí trung bình mỗi hội đồng tuyển sinh từ 100-150 triệu đồng tùy theo chỉ tiêu tuyển sinh, chưa kể công tác phí, tiền chấm thi…), nhưng bao giờ cái mới cũng có ý kiến trái chiều, vì vậy rất mong nhận được ý kiến đóng góp đối với giải pháp tuyển sinh của ngành để công tác giáo dục được thực hiện đúng quan điểm đổi mới hiện nay.
 
    +Xin cảm ơn ông!
      Gia Nguyên (thực hiện)
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.