Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường cải cách thủ tục hành chính về đất đai

08:21, 21/04/2018

Các giao dịch hành chính cũng như giao dịch về dân sự trong lĩnh vực đất đai ngày càng gia tăng. Để đạt hiệu quả trong công tác quản lý, sử dụng đất, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế cũng như việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất đòi hỏi cần phải có những quy định pháp lý phù hợp.

Những vấn đề này đã được ông BÙI THANH LAM, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trao đổi trong Chương trình “Dân hỏi - Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời” kỳ này.

Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông đánh giá như thế nào về hệ thống các quy định của pháp luật về đất đai hiện nay?

Hiện nay, chúng ta đang thi hành Luật Đất đai năm 2013 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2014, gồm 14 chương, 212 điều; tăng 7 chương, 66 điều so với Luật Đất đai năm 2003). Sau nhiều lần sửa đổi Luật Đất đai tương đối hoàn thiện, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đã phát huy được hiệu quả nên được đa số người dân, doanh nghiệp đồng thuận cao. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới, đặc biệt là những vấn đề như: tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp quy mô lớn, phù hợp với  hội nhập kinh tế quốc tế… thì cần phải tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ xem xét sửa đổi một số điều, quy định mới cho phù hợp với thực tiễn. Theo  chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đề xuất sửa đổi một số nội dung để các quy định phù hợp hơn.

Thưa ông, trên địa bàn tỉnh hiện còn nhiều thửa đất bị sai lệch về diện tích, thậm chí sai cả về số thửa, tên người sử dụng. Theo ông, nguyên nhân của những sai sót này là do đâu và cần thực hiện giải pháp gì để khắc phục?

Trong một giai đoạn quản lý dài (từ năm 1975 đến nay), đã có nhiều lần tổ chức đo đạc, nhập hồ sơ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… nên có sai sót trong quá trình triển khai thực hiện. Nguyên nhân sai sót thì có nhiều như: công nghệ đo đạc trước đây chưa đạt được độ chính xác cao; lỗi chủ quan của con người khi thực hiện; trong quá trình sử dụng đất, hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng, khai hoang, lấn chiếm nhưng không đăng ký biến động đất đai với cơ quan nhà nước…

Để giải quyết vấn đề này, ngành Tài nguyên và Môi trường đã có hướng dẫn cụ thể trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về việc cấp lại quyền sử dụng đất bị sai sót. Tùy theo nguyên nhân sai sót cụ thể, cơ quan chuyên môn (trực tiếp là cán bộ địa chính cấp xã, phường và văn phòng đăng ký đất đai tại chi nhánh của cấp huyện) sẽ có hướng dẫn thủ tục và niêm yết công khai các thủ tục này theo quy định của pháp luật để người sử dụng đất biết và thực hiện.

Hiện nay, nhu cầu chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư là khá lớn. Vậy pháp luật quy định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất này như thế nào và khi chuyển đổi cần chuẩn bị những thủ tục gì, thưa ông?

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ loại đất này sang loại đất khác đã được quy định rất rõ trong các quy định của pháp luật. Để chuyển đổi mục đích sử dụng, trước hết phải căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất của cấp huyện đã được phê duyệt. Tiếp đến là nhu cầu sử dụng đất được thể hiện trong đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất. Đối với đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp hoặc từ phi nông nghiệp loại trả tiền thấp sang phi nông nghiệp trả tiền cao thì người sử dụng đất còn phải thực hiện nghĩa vụ tài chính (tức là nộp tiền sử dụng đất theo mức quy định tương ứng với diện tích được chuyển đổi mục đích sử dụng đất và đơn giá của từng loại đất, từng vị trí).

Cán bộ  Chi nhánh  Văn phòng đăng ký  đất đai  huyện  Krông Pắc hướng dẫn người dân  về thủ tục  hành chính.
Cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Krông Pắc hướng dẫn người dân về thủ tục hành chính.

Những thủ tục này cũng được hướng dẫn cụ thể, đầy đủ tại UBND cấp xã, phường và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện. Trường hợp đối với tổ chức thì sẽ liên hệ tại Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn, cung cấp những biểu mẫu… thực hiện.   

Một vấn đề nữa được độc giả quan tâm là hiện nay có những văn bản pháp luật nào quy định về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại tố cáo về đất đai? Trường hợp nào thì thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền và trường hợp nào thì thuộc tòa án giải quyết?

Tất cả các trường hợp khiếu nại, tố cáo nói chung (trong đó có khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai) thì thực hiện theo Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo được Quốc hội ban hành vào năm 2011. Bên cạnh đó, còn thực hiện theo các văn bản hướng dẫn thi hành như các nghị định, thông tư của các bộ, ngành, Thanh tra Chính phủ. Riêng về đất đai, trong Luật Đất đai năm 2013 có 1 chương (chương XIII) liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm soát thi hành Luật Đất đai.

Trường hợp khiếu nại liên quan đến quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân thì được xem xét, giải quyết ở UBND cấp xã, phường để thực hiện hòa giải. Nếu hòa giải không thành thì sẽ được giải quyết ở UBND cấp huyện hoặc TAND cấp huyện. Trường hợp người khiếu nại, tố cáo nhận thấy cơ quan giải quyết khiếu nại, tố cáo lần đầu giải quyết chậm hoặc giải quyết rồi nhưng không đúng quy định của pháp luật thì có quyền khiếu nại tới cơ quan hành chính cấp trên (cụ thể là UBND tỉnh hoặc TAND tỉnh). Khi cơ quan hành chính cấp trên đã giải quyết lần hai, nhưng người khiếu nại, tố cáo vẫn không đồng ý thì việc khiếu nại, tố cáo tiếp theo thuộc TAND cấp có thẩm quyền.       

Xin cảm ơn ông!  

Duy Tiến (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.