Multimedia Đọc Báo in

Đồng hành cùng nông dân trong tiến trình hội nhập

08:21, 19/05/2018

Ngành Nông nghiệp Việt Nam nói chung và ở tỉnh Đắk Lắk nói riêng đang có những bước phát triển; bộ mặt nông thôn từng ngày đổi mới; đời sống, thu nhập của người nông dân được cải thiện.

Làm thế nào để nông nghiệp - nông thôn phát triển hơn nữa, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người nông dân? Những nội dung này được ông NGUYỄN VĂN TƯ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh trao đổi trong Chương trình “Dân hỏi - Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời” kỳ này.

Ông Nguyễn Văn Tư, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Tư, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.

Thưa ông, trước đây, khi nói về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, người ta thường nhắc đến hình ảnh “con trâu đi trước cái cày theo sau”. Vậy hiện nay, nền nông nghiệp, nông thôn và nông dân đã đổi thay như thế nào?

Hình ảnh “con trâu đi trước cái cày theo sau” có lẽ vẫn còn đâu đó nhưng rất ít. Ngày nay nông nghiệp, nông thôn và nông dân đã thay đổi một cách căn bản, toàn diện.  Ở tỉnh ta, về nông nghiệp tất cả lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… đều phát triển đáng kể, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Về nông thôn có thể thấy sự đổi thay rõ rệt qua số lượng các xã đạt chuẩn nông thôn mới ngày càng nhiều và số lượng tiêu chí/xã chiếm tỷ lệ cao (khoảng 12,8 tiêu chí/xã)… Đây là sự nỗ lực, cố gắng lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh trong xây dựng nông thôn mới. Nông nghiệp phát triển, nông thôn đổi thay nên đời sống của người nông dân thật sự khấm khá; an ninh nông thôn được đảm bảo; đời sống vật chất và tinh thần của nông dân ngày càng  được nâng lên.

Nhân viên Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên chăm sóc cây giống.
Nhân viên Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên chăm sóc cây giống.

Cũng như nhiều địa phương trong cả nước, ngành Nông nghiệp của tỉnh đang trên đà phát triển và hội nhập. Với vai trò làm cầu nối giữa nhà nông - nhà quản lý - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học, Hội Nông dân tỉnh đã phát huy vai trò “bệ đỡ”cho người nông dân như thế nào, thưa ông?

Với vai trò là đại diện cho nhà nông trong việc liên kết giữa 4 nhà, Hội Nông dân tỉnh đã vận động nông dân liên kết với các doanh nghiệp. Ví dụ trong sản xuất cà phê, nông dân đã liên kết với các doanh nghiệp như Công ty Cà phê Thắng Lợi, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2- 9… để tạo ra các sản phẩm theo tiêu chuẩn. Việc kết nối giữa nhà nông với nhà khoa học thể hiện qua việc các nhà khoa học của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, cán bộ khuyến nông, các công ty phân bón, giống cây trồng… thường xuyên tổ chức tập huấn kiến thức, công nghệ mới nhằm nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân. Bên cạnh đó, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh cũng phối hợp với các sở, ban, ngành để tạo nguồn lực bằng cách hỗ trợ kinh phí, nhân lực, khoa học kỹ thuật, phân bón, giống… cho người nông dân trong sản xuất. Chưa hết, Hội Nông dân tỉnh thường xuyên có những đề xuất, kiến nghị với Nhà nước để kịp thời ban hành những chính sách phù hợp hơn với người nông dân. Một kết nối hết sức quan trọng là phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho người nghèo vay vốn sản xuất, giải quyết vấn đề nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường...

Nền nông nghiệp thông minh 4.0 đang là xu hướng tất yếu, vậy Hội Nông dân tỉnh đã có những định hướng, cũng như hỗ trợ gì để giúp nông dân tỉnh nhà tiếp cận nền nông nghiệp thông minh này?

Nông nghiệp 4.0 đang là xu thế và Đắk Lắk cũng không nằm ngoài quy luật đó. Để có những định hướng, hỗ trợ cho người nông dân tiếp cận nền nông nghiệp thông minh này, trước hết Hội Nông dân tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, để nông dân thay đổi tư duy, phương thức, cách nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất. Thứ hai, tăng cường kết nối giữa hộ nông dân với các cơ quan chức năng, từ khoa học kỹ thuật, quản lý đến thị trường, cung ứng sản phẩm… nhất là định hướng thị trường trong tương lai. Thứ ba, tiếp tục hỗ trợ nông dân kiến thức, tư duy, cách tiếp cận sản xuất trong thời kỳ nông nghiệp mới. Thứ tư, có những kiến nghị với Nhà nước để tạo điều kiện cho nông dân được tiếp cận sớm với nông nghiệp 4.0 bằng cách cho người nông dân được mua chịu, hỗ trợ giảm giá… các sản phẩm công nghệ thông minh. Đồng thời tiếp tục vận động người nông dân chuyển hướng sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang tập trung và tiếp cận nhanh với nông nghiệp công nghệ cao.         

Xin cảm ơn ông!

                Duy Tiến (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.