Đẩy mạnh thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế
Thu hút đầu tư là yếu tố quan trọng, góp phần vào sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Tình hình thu hút đầu tư, hợp tác của tỉnh Đắk Lắk hiện nay như thế nào? Thời gian tới cần thực hiện cơ chế, chính sách ra sao để khuyến khích đầu tư? Những vấn đề này được ông HUỲNH VĂN TIẾN, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đề cập trong Chương trình “Dân hỏi - Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời” kỳ này.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Huỳnh Văn Tiến. |
• Xin ông cho biết về thực trạng, quy mô doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay cũng như xu hướng phát triển trong thời gian tới?
Ước tính đến hết tháng 9-2018, tính cả chi nhánh của các doanh nghiệp (DN) ngoài tỉnh thì có 7.977 DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Trong số này ngành nông lâm nghiệp và thủy sản có 1.299 DN (chiếm 16,49%), ngành thương mại - dịch vụ có 3.465 DN (chiếm 43,98%), ngành công nghiệp - xây dựng có 3.113 DN (chiếm 39,53%). Quy mô chủ yếu là DN nhỏ và vừa, đặc biệt là các DN siêu nhỏ (có vốn điều lệ không quá 3 tỷ đồng) chiếm tỷ trọng lớn khi có tới 5.325 DN (74,07%); tỷ trọng DN lớn (có vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng) rất thấp khi chỉ có 52 DN (0,73%).
Theo định hướng Đề án tái cơ cấu kinh tế tỉnh Đắk Lắk gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, trong thời gian tới sẽ ưu tiên tăng vốn đầu tư vào lĩnh vực nông - lâm nghiệp. Cùng với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho DN vừa được Chính phủ ban hành, dự báo thời gian tới sẽ tăng tỷ trọng các DN hoạt động trong lĩnh vực nông – lâm - thủy sản. Quy mô các DN sẽ có sự chuyển dịch theo hướng giảm DN siêu nhỏ, tăng nhanh DN nhỏ và vừa, từng bước hình thành các DN có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, nghề; phấn đấu đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có khoảng 10.000 DN hoạt động.
Dự án Trang trại phong điện Tây Nguyên đầu tư tại xã Đliê Yang, huyện Ea H'leo chuẩn bị đi vào hoạt động. |
• Ông có thể cho biết tình hình triển khai thực hiện các chương trình hợp tác với các khu vực, địa phương trong nước và nước ngoài về lĩnh vực xúc tiến đầu tư của tỉnh trong thời gian qua?
Thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã ký kết, tham gia nhiều chương trình hợp tác mang tính kết nối khu vực và liên kết vùng, như: Chương trình hợp tác khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam; Chương trình hợp tác phát triển giữa 5 tỉnh Tây Nguyên và Khánh Hòa, Phú Yên; Chương trình hợp tác Đắk Lắk - TP. Hồ Chí Minh; Chương trình hợp tác 6 tỉnh Nam Trung Bộ… Ngoài ra, tỉnh đã có những hoạt động hợp tác với tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc) trên nhiều lĩnh vực đầu tư, y tế, giáo dục…
Đặc biệt chương trình hợp tác Đắk Lắk - TP. Hồ Chí Minh đã thu hút gần 100 dự án đầu tư từ TP. Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Sắp tới đây, một số dự án chuẩn bị đi vào hoạt động hoặc đang chuẩn bị các thủ tục đầu tư, như: Nhà máy điện gió tại huyện Ea H’leo, Khu du lịch sinh thái Hồ Lắk, Khu công nghiệp Phú Xuân… Các dự án đã và đang hoàn thành góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, cũng như khẳng định tính hiệu quả của sự hợp tác giữa Đắk Lắk với các tỉnh trong khu vực.
• Thưa ông, trên địa bàn tỉnh hiện nay thì lĩnh vực nào đang thu hút đầu tư được nhiều nhất? Trong thời gian tới, để hoạt động xúc tiến đầu tư đi vào chiều sâu thì cần có cơ chế, chính sách gì để khuyến khích, thu hút?
Thời gian qua, một số lĩnh vực của tỉnh được các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm nhiều, như: năng lượng tái tạo khi có hơn 20 dự án với tổng số vốn đăng ký đề xuất trên 50.000 tỷ đồng; lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có số vốn đăng ký trên 2.500 tỷ đồng; lĩnh vực phát triển đô thị với tổng diện tích gần 400 ha; các lĩnh vực khác như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giáo dục cũng thu hút được nhiều dự án đầu tư.
Thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, theo tôi, tỉnh cần thực hiện một số cơ chế, chính sách quan trọng đã được xác định tại Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch giai đoạn 2016 - 2020. Cụ thể, cần tập trung huy động có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng nông thôn; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, gọn nhẹ, hiệu quả gắn với nâng cao các Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Cải cách hành chính công (PAPI). Ngoài ra, cần thực hiện tốt Luật Quy hoạch (sẽ có hiệu lực từ năm 2019); tăng cường đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cũng như thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ các địa phương khác nhằm bảo đảm yêu cầu về nguồn nhân lực phục vụ cho các dự án đầu tư…
• Xin cảm ơn ông!
Duy Tiến (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc