Đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
Những năm qua, việc đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh đã được chú trọng.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông MIÊN KLƠNG, Giám đốc Sở Nội vụ.
°Thưa ông, đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là một trong những nội dung cơ bản của cải cách hành chính. Xin ông cho biết những kết quả nổi bật đã đạt được trong công tác này trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo triển khai thực hiện tốt công tác quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Trong đó nổi bật là đã hoàn thiện đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức. Đây là cơ sở để UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị thực hiện có hiệu quả việc quản lý, sử dụng, tuyển dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh; đồng thời vị trí việc làm cũng là cơ sở để thực hiện hiệu quả chính sách cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII.
Bên cạnh đó, việc thi tuyển công chức được tổ chức theo nguyên tắc công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật. Qua các kỳ thi tuyển, tỷ lệ cạnh tranh rất cao, trình độ người trúng tuyển ngày càng được nâng cao, đáp ứng ngay được yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng. Công tác đánh giá, phân loại và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện tốt. Việc bố trí, sử dụng, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ được thực hiện đúng quy trình, trong quy hoạch, đảm bảo cơ cấu, phù hợp với năng lực, sở trường, do đó chất lượng cán bộ được bổ nhiệm ngày càng cao. Kỷ luật, kỷ cương trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được tăng cường; nâng cao đạo đức công vụ của công chức trong thi hành công vụ, đạo đức nghề nghiệp của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp và tính tiền phong, gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị...
°Đánh giá công chức cũng là khâu quan trọng trong quá trình quản lý công chức và phải đảm bảo tính công bằng, khách quan. Vậy để được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, công chức phải đáp ứng được những điều kiện nào, thưa ông?
Theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 9-6-20115 của Chính phủ, để công chức được đánh giá, phân loại ở mức “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” gồm những tiêu chí: Luôn gương mẫu chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước. Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có lối sống lành mạnh, chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; tận tụy, có tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao. Có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với đồng nghiệp, cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Có tinh thần chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao. Có thái độ đúng mực và xử sự văn hóa trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; thực hiện tốt việc phòng, chống các hành vi cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà, tiêu cực, tham nhũng, tham ô, lãng phí. Hoàn thành 100% nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch công tác năm, vượt tiến độ, có chất lượng và hiệu quả. Hoàn thành kịp thời và bảo đảm chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ đột xuất. Có ít nhất một công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng có hiệu quả trong hoạt động công vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được cấp có thẩm quyền công nhận.
°Ngày 29-11-2018 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 161/2018/NĐ-CP quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức và thăng hạng viên chức. Xin ông cho biết những điểm mới đáng chú ý của Nghị định này?
Nghị định 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ có những điểm khác biệt so với các quy định trước đây. Cụ thể:
Không phân biệt giữa văn bằng chính quy, tại chức, văn bằng 2, bằng đào tạo từ xa khi tuyển dụng công chức, viên chức.
Quy định mới về điểm ưu tiên trong thi tuyển công chức, viên chức, các đối tượng thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, Anh hùng Lao động... được cộng 7,5 điểm vào kết quả thi vòng 2; người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, công an, quân nhân chuyên nghiệp, con thương binh - liệt sỹ... được cộng 5 điểm vào kết quả thi vòng 2.
Thay đổi cách thức thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức và nâng ngạch công chức. Trong đó, thi tuyển công chức, viên chức và thi nâng ngạch công chức tổ chức vòng 1 thi trắc nghiệm trên máy tính về kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học; vòng 2 thi môn nghiệp vụ chuyên ngành với hình thức thi là phỏng vấn hoặc thi viết. Về xét tuyển công chức, viên chức: vòng 1 kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm; vòng 2 phỏng vấn để kiểm tra về năng lực và trình độ chuyên môn.
°Xin trân trọng cảm ơn ông!
Lan Anh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc