Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực xây dựng Buôn Ma Thuột xứng tầm với vị thế trung tâm vùng Tây Nguyên

12:16, 29/03/2019

Sau 10 năm thực hiện Kết luận số 60-KL/TW, ngày 27-11-2009 của Bộ Chính trị, Buôn Ma Thuột đã có những bước phát triển vượt bậc trong công tác xây dựng và phát triển đô thị, từng bước hiện thực mục tiêu trở thành đô thị trung tâm vùng; tạo điều kiện phát triển, giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Tây Nguyên với các vùng trong cả nước và khu vực tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của đất nước.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trương Công Thái, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột.

°Những thành tựu nổi bật trong 10 năm xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột theo tinh thần Kết luận số 60, ngày 27-11-2009 của Bộ Chính trị có thể kể đến là gì, thưa đồng chí?

- Sau 10 năm xây dựng và phát triển thành phố theo Kết luận số 60 của Bộ Chính trị, Buôn Ma Thuột đã có những bước đi vững chắc và phát triển khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố đã từng bước đáp ứng yêu cầu gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện, nâng cao đời sống người dân, hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm quốc phòng – an ninh và trật tự – an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện. So với các chỉ tiêu của đô thị loại I trực thuộc Trung ương thì Buôn Ma Thuột đã đạt và vượt nhiều tiêu chí. Cụ thể, mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất đạt 9,38%; tỷ lệ hộ nghèo trung bình 3 năm gần nhất 2,32%; đất dân dụng 86,32 m2/người; đất xây dựng các công trình dịch vụ công cộng đô thị: 12,03 m2/người; cơ sở y tế cấp đô thị đạt 17,78 giường bệnh/1.000 dân… Quy mô nền kinh tế năm 2018 của thành phố đạt 18.852 tỷ đồng, gấp 2,04 lần so với năm 2010. Trong số 8.264 doanh nghiệp của toàn tỉnh, Buôn Ma Thuột có 3.888 doanh nghiệp, chiếm 47%. Phát triển doanh nghiệp đã thu hút một lượng vốn đáng kể trong dân cư vào sản xuất kinh doanh và giải quyết việc làm cho lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Thu nhập bình quân đầu người tính năm 2018 đạt 78 triệu đồng, tăng 3,17 lần so với năm 2009.

Ngã Sáu Buôn Ma Thuột trong dịp Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019.
Ngã Sáu Buôn Ma Thuột trong dịp Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019.

Đáng chú ý, Buôn Ma Thuột trong những năm qua đã có bước phát triển khá nhanh về cơ sở hạ tầng, tổng nguồn vốn đầu tư đã huy động toàn xã hội giai đoạn 2010-2018 đạt 61.566 tỷ đồng, trong đó vốn ngoài ngân sách chiếm 86,65%. Giai đoạn 2010-2018, địa bàn nội thành đã được phê duyệt 35 dự án phát triển đô thị (theo quy hoạch chi tiết xây dựng khu dân cư đô thị) với tổng diện tích 523,4 ha (tăng gấp 3 lần so với giai đoạn trước 2010), trong đó đã có 22 dự án đã và đang triển khai với tổng diện tích 379 ha. Các dự án phát triển đô thị đã góp phần tạo ra nguồn lực “Lấy đô thị để phát triển đô thị”. Thành phố cũng đã hoàn thành xây dựng mới 3 khu đô thị đạt tiêu chuẩn đô thị loại I.

°Để có được kết quả toàn diện như trên, chính quyền thành phố đã triển khai những giải pháp gì thưa đồng chí?

- Tinh thần các nghị quyết, chỉ thị của tỉnh về việc xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên đã được thành phố cụ thể hóa qua các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội từng năm. Với việc tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; chú trọng công tác thu hút đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư xã hội…, Buôn Ma Thuột đã ngày càng khẳng định vị thế kết nối cấp vùng; khai thác hiệu quả lợi thế cảnh quan thiên nhiên, sinh thái, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên đô thị có bản sắc riêng.

°Thẳng thắn nhìn nhận, thành phố tuy phát triển nhưng chưa thực sự vững chắc, quy mô và chất lượng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa có ngành, lĩnh vực kinh tế tạo bước đột phá. Vậy lãnh đạo thành phố dự định thời gian tới khắc phục điều này như thế nào?

Về định hướng phát triển đô thị, chính quyền thành phố đang tập trung các giải pháp để đô thị phát triển bảo đảm tính đồng bộ, cân bằng, bền vững, đáp ứng được yêu cầu phát triển trước mắt và lâu dài; phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020, giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến năm 2045. Trong đó, chú trọng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội gắn với cải tạo khu đô thị cũ, bảo tồn, tôn tạo các buôn đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng các khu nhà vườn ven đô, gắn kết với địa hình tự nhiên, tạo không gian kiến trúc cảnh quan mang tính đặc thù vùng Tây Nguyên.

Thành phố tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư vào các dự án trọng điểm về giao thông, khu đô thị, văn hóa xã hội, thể dục thể thao mang tầm khu vực. Tập trung quy hoạch phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển các ngành, các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, hàm lượng khoa học – công nghệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường; tăng cường phát triển kinh tế đối ngoại. Xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông thông suốt, đầu tư nâng cấp sân bay Buôn Ma Thuột trở thành sân bay quốc tế - đầu mối vận tải hàng không của khu vực Tây Nguyên; tạo môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh. Đồng thời, làm tốt công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng nền tảng chính trị vững mạnh cho sự phát triển của thành phố…

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021-2030 đạt 13,5%; thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 12%/năm. Tầm nhìn đến 2045 xây dựng TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trực thuộc Trung ương.

°Xin cảm ơn đồng chí!

Lê Hương  (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.