Sát cánh cùng thanh niên lập nghiệp
Phong trào đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp được các cấp bộ Đoàn trong tỉnh triển khai sâu rộng và mang lại hiệu quả thiết thực, qua đó giúp nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.
Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với đồng chí NGUYỄN NGỌC HOÀNG, Phó Bí thư phụ trách Tỉnh Đoàn.
°Xin đồng chí cho biết tình hình lao động, việc làm trong lực lượng ĐVTN trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào?
Tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 457.500 thanh niên chiếm khoảng 25% dân số toàn tỉnh, trong đó gần 313.300 thanh niên nông thôn. Đa số ĐVTN có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, có phẩm chất đạo đức tốt, thường xuyên tu dưỡng, ra sức phấn đấu lao động, học tập, rèn luyện về mọi mặt, có tư duy năng động, sáng tạo, lạc quan, tự tin, dám nghĩ, dám làm, có ý chí khắc phục khó khăn vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình, xã hội, tạo việc làm cho nhiều ĐVTN tại địa phương. Một bộ phận thanh niên tham gia lao động tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; tham gia lao động xuất khẩu tại Hàn Quốc, Nhật Bản... đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, tình hình thực tế hiện nay giá cả các loại nông sản chủ lực như tiêu, cà phê... xuống thấp, nhiều công ty, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, nên ảnh hưởng đến việc làm của thanh niên.
°Với tình hình thực tế như vậy, Tỉnh Đoàn đã có những chương trình, hoạt động gì để góp phần giải quyết việc làm cho thanh niên, thưa đồng chí?
Trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh có nhiều chương trình hỗ trợ, đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm, hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế. Cụ thể như: phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh nhận quản lý ủy thác vốn vay với tổng dư nợ hơn 766 tỷ đồng cho 27.910 hộ vay, quản lý hơn 1,6 tỷ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn; 1,5 tỷ nguồn vốn khởi nghiệp của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh. Ngoài ra, còn phối hợp với các sở, ban ngành, công ty, doanh nghiệp… xây dựng các mô hình phát triển kinh tế trong thanh niên, tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi, các hoạt động tuyên truyền về nghề nghiệp, việc làm, lập nghiệp, qua đó hỗ trợ cho ĐVTN phát triển kinh tế, khởi nghiệp, lập thân, lập nghiệp.
Anh Y Thuyl Niê, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk (giữa) cùng các thành viên nhóm khởi nghiệp từ mô hình tái canh bằng giống cà phê ghép. |
°Hoạt động khởi nghiệp đang thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều bạn trẻ, tuy nhiên, không ít thanh niên gặp khó khăn, trở ngại khi thực hiện. Vậy theo đồng chí các cấp bộ Đoàn cần làm gì để trợ lực, "tiếp lửa" cho thanh niên khởi nghiệp thành công?
Đầu tiên có thể kể đến đó là kinh nghiệm và kiến thức về khởi nghiệp. Hiện nay, việc tham gia vào không gian chung của khởi nghiệp và kiến thức về khởi nghiệp của các bạn trẻ trên địa bàn tỉnh chỉ chớm bắt đầu và mới có một số bạn trẻ tiên phong nhưng chưa tạo thành sự lan tỏa sâu rộng. Thứ hai là nguồn vốn dành cho các bạn trong khởi nghiệp còn rất hạn chế, chưa có nhiều nhà đầu tư cũng như các đơn vị chuyên nghiệp hỗ trợ tài chính. Thứ ba là vấn đề kết nối các chuỗi giá trị, nhiều sản phẩm được xây dựng, hình thành nhưng vẫn chưa tìm được đầu ra ổn định, chưa tìm được sự liên kết với các chuỗi giá trị khác giúp cho dòng sản phẩm lưu thông một cách ổn định… Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn thường xuyên kêu gọi hỗ trợ cũng như kết nối thành công các dự án khởi nghiệp. Đặc biệt gần đây nhất, Tỉnh Đoàn đã phối hợp giới thiệu 3 trường hợp tiêu biểu của Đắk Lắk tham gia chương trình Shark Tank mùa ba và đã tổ chức gặp các chuyên gia tài chính hỗ trợ về chuyên môn để giúp cho các bạn tự tin tham gia tốt cuộc thi này.
°Xin cảm ơn ông!
Lan Anh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc