Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ người tiêu dùng

07:00, 11/10/2020

Để làm tốt công tác bảo vệ người tiêu dùng cần phải nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức xã hội; phải có sự phối hợp chẽ hơn nữa trong công tác bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng… Ông LỮ BẰNG, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã có những trao đổi với phóng viên Báo Đắk Lắk chung quanh vấn đề này.

Kể từ khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thông qua, công tác bảo vệ người tiêu dùng có những chuyển biến như thế nào, thưa ông?

Từ khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (gọi tắt là Luật) được Quốc hội ban hành năm 2010 thì có thể khẳng định rằng vai trò của Nhà nước, cũng như các tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã được nâng cao và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Đầu tiên là bảo đảm tính minh bạch trong việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ giữa người mua và người bán, đã góp phần giải quyết thỏa đáng những khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng; giảm thiểu những bất minh trong quá trình mua bán và tổ chức, thực hiện các loại hình dịch vụ. Chính phủ và các bộ, ngành đã có các nghị định cũng như nhiều văn bản hướng dẫn quy định cụ thể, phê duyệt các chương trình bảo vệ người tiêu dùng với nhiều nội dung phong phú. Cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội về bảo vệ người tiêu dùng trên toàn quốc đã tích cực vào cuộc, thực hiện một cách nghiêm túc việc thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng các văn bản pháp luật; khuyến khích người tiêu dùng phản ánh, phản hồi, khiếu nại khi có vấn đề cần được hỗ trợ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình... Tất cả những nỗ lực đó đã giảm thiểu đáng kể thiệt hại và bảo đảm, mang lại lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, kết quả trên vẫn chưa đáp ứng được mong đợi của người tiêu dùng. Bởi các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng với quy mô, phạm vi ngày càng rộng, hình thức tinh vi và phức tạp hơn.

Trước yêu cầu mới, theo ông phải làm thế nào để nâng cao hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ người tiêu dùng?

Thời gian qua, công tác bảo vệ người tiêu dùng đã được Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… hết sức quan tâm. Điều này thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo vệ quyền lợi cho gần 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam. Trước yêu cầu mới, theo tôi, về phía các cơ quan quản lý nhà nước, phải bám sát Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 22-1-2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và Nghị quyết số 82/NQ-CP, ngày 26-5-2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30. Đồng thời, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, lâu dài chứ không phải là việc trong ngày một ngày hai. Đây cũng là trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội.

án bộ Cục Quản lý  thị trường tỉnh kiểm tra  hàng hóa  bày bán trên thị trường. Ảnh: Đỗ Lan
Cán bộ Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra hàng hóa bày bán trên thị trường. 

Hiện nay, về tính pháp lý, tôi nghĩ các văn bản pháp luật đã quy định khá đầy đủ và chặt chẽ. Đã có công cụ pháp lý để hỗ trợ cho các cơ quan nhà nước, việc còn lại là những người thực thi  làm sao để tránh tình trạng làm cho có, làm theo phong trào… Để làm được điều này, đối với các địa phương, phải cụ thể hóa các chương trình hành động và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội về công tác tiêu dùng. Các hoạt động tuyên truyền, bảo vệ người tiêu dùng cần phải được triển khai với nội dung và cách thức phù hợp, sinh động hơn; đội ngũ của văn phòng tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng cần chuyên sâu hơn, việc phổ biến Luật được truyền đạt một cách dễ hiểu… Có làm được như vậy thì công tác bảo vệ người tiêu dùng mới mang về hiệu quả như mong đợi và thiết thực hơn.

Riêng việc nâng cao vai trò của tổ chức Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở các địa phương, theo tôi, một trong những giải pháp quan trọng là cần phải củng cố lại tổ chức bộ máy của các Hội địa phương, kể cả ở cấp xã, phường, làm sao ở mỗi nơi đều thể hiện vai trò đại diện cho người tiêu dùng để xử lý tất cả hành vi mua bán trái pháp luật, vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Muốn làm được điều này, rất cần sự phối hợp giúp đỡ, sự quan tâm của Đảng, chính quyền sở tại.

Riêng tại tỉnh Đắk Lắk, cần phải làm gì để phát huy hơn nữa vai trò của Hội và ông có lời khuyên gì dành cho người tiêu dùng, thưa ông?

Riêng tại Đắk Lắk, là địa bàn rộng, địa hình phức tạp, dân số khá đông, do đó, để Luật đi vào cuộc sống, bên cạnh chú trọng tuyên truyền pháp luật để người tiêu dùng biết, qua đó bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của mình, tôi nghĩ cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc quyết liệt, phối hợp chặt chẽ hơn. Trước hết, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Đắk Lắk cần đặt ra mục tiêu cụ thể, đến năm nào, giai đoạn nào có tỷ lệ bao nhiêu phần trăm người tiêu dùng biết đến Luật, nắm Luật để bảo vệ mình cũng như chủ động liên hệ với cơ quan chức năng phản ánh những sai phạm của tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, khiếm khuyết của hàng hóa khi mua phải. Thực tế, lâu nay một bộ phận người tiêu dùng không biết quyền được bảo vệ của mình cũng như không biết mình có những quyền lợi cơ bản nào, cơ quan nào bảo vệ quyền lợi cho mình. Do đó, họ thiếu thông tin và không biết đến sự tồn tại của Hội.

Về phía người tiêu dùng địa phương, rất cần thiết phải nắm Luật, nắm vững các quyền lợi của mình trong mua sắm và cách thức giải quyết tranh chấp để bảo vệ mình thành công. Các nghĩa vụ khi mua hàng, sử dụng dịch vụ, người tiêu dùng cũng cần phải nắm rõ. Ngoài ra, cần kịp thời thông tin đến các tổ chức bảo vệ khi mua phải hàng hóa kém chất lượng. Đặc biệt, tôi cho rằng, thay vì im lặng bỏ qua, người tiêu dùng nên mạnh dạn lên tiếng. Sự góp ý của người tiêu dùng, lên tiếng với hàng hóa khiếm khuyết cũng chính là thái độ xây dựng để thúc đẩy kinh doanh lành mạnh của tổ chức, doanh nghiệp, tạo động lực cho nền kinh tế phát triển ổn định.

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Lan (thực hiện)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.