Xây dựng thương hiệu cho nông sản: Hướng đi bền vững trong phát triển nông nghiệp
Xây dựng, khai thác và phát triển nhãn hiệu sản phẩm đặc thù là yếu tố quan trọng giúp nâng cao giá trị nông sản, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Nhận thức rõ tầm quan trọng của thương hiệu, thời gian qua, huyện Krông Pắc đặc biệt quan tâm đến việc phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện.
Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc phỏng vấn bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện để làm rõ thêm về vấn đề này.
°Xây dựng thương hiệu nông sản là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng, vị thế thương mại cho nông sản đặc thù của mỗi địa phương. Xin bà cho biết, việc xây dựng thương hiệu nông sản của huyện Krông Pắc đã được triển khai như thế nào?
- Cùng với các giải pháp phát triển sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, chúng tôi đã chú trọng xây dựng những vùng chuyên canh, bước đầu hình thành nên những thương hiệu như sầu riêng, bơ, mắc ca... Trong xu thế chung của thị trường hiện nay đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ từ cơ quan chức năng thì việc xây dựng thương hiệu cho nông sản là yếu tố sống còn đối với phát triển nông nghiệp. Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), chúng tôi đã rà soát thực trạng sản phẩm hiện có của địa phương, dự kiến sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng có lợi thế. Trong 27 sản phẩm đặc sản của toàn tỉnh thì Krông Pắc có 2 sản phẩm được đánh giá 3 sao là: Trà mãng cầu Nguyên Văn và hạt mắc ca sấy của HTX Viet Farm.
°Vậy đối với vấn đề xây dựng thương hiệu sầu riêng - một trong những nông sản đặc thù đã đem lại lợi ích lớn về kinh tế cho huyện trong nhiều năm qua, chính quyền địa phương đã triển khai đến đâu, thưa bà?
- Từ năm 2018, huyện Krông Pắc đã thuê đơn vị tư vấn (Công ty cổ phần khoa học công nghệ Tín Thành) triển khai xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể (NHTT) “Sầu riêng Krông Pắc” cho sản phẩm sầu riêng của huyện. Đến nay, huyện đã thực hiện điều tra, khảo sát thu thập số liệu, xác định tổ chức chủ sở hữu trí tuệ, xây dựng bản đồ vùng sản phẩm và sử dụng tên địa danh… Dự kiến trong quý II năm 2021 sẽ hoàn tất và được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với NHTT “Sầu riêng Krông Pắc”. Sau khi được cấp bằng chứng nhận bảo hộ, chúng tôi sẽ phối hợp với đơn vị tư vấn tiếp tục xây dựng hệ thống quản lý và sử dụng NHTT; hỗ trợ thí điểm mô hình cấp quyền sử dụng NHTT; tổ chức các lớp tập huấn; đăng ký mã số, mã vạch cho sản phẩm, đồng thời điều tra thị trường để lập kế hoạch tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường cùng lãnh đạo huyện Krông Pắc tham quan hội chợ thương mại nông nghiệp Krông Pắc năm 2020. |
Bên cạnh đó, để giúp người dân tiếp cận được thị trường, trong năm 2019 và 2020 vừa qua, UBND huyện đã tổ chức 2 hội chợ để quảng bá, giới thiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm sầu riêng và trái cây Krông Pắc. Đây là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá, kết nối, xúc tiến thương mại cho các nông sản địa phương trong bối cảnh gặp khó về đầu ra. Đặc biệt, đây cũng là cơ sở, tiền đề để bốn nhà (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp) cùng nhìn nhận lại chặng đường phát triển của ngành nông nghiệp địa phương để có sự điều chỉnh nhất định trong tiến trình phát triển để có thể phát huy thế mạnh, đón đầu thị trường trong tương lai.
°Xin bà cho biết, huyện sẽ ưu tiên đầu tư như thế nào cho lĩnh vực nông nghiệp?
- Trong những năm qua, với việc tập trung chỉ đạo và vận động người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng khoa học - kỹ thuật, huyện Krông Pắc đã xây dựng được nhiều mô hình canh tác có hiệu quả, cho thu nhập khá cao, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân địa phương.
Với mong muốn tiếp tục tạo đòn bẩy, bước đột phá mới trong phát triển kinh tế cho địa phương, trong giai đoạn 2020 - 2025, huyện Krông Pắc ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi trong kết nối giao thương cho những địa bàn sản xuất nông sản trọng điểm. Đồng thời, kêu gọi, thu hút các nguồn vốn đầu tư ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Huyện cũng đang tập trung sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững thông qua việc đẩy nhanh quá trình chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; kết nối sản xuất nông nghiệp với các khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm và công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh việc đa dạng hóa các loại hình dịch vụ ở nông thôn, tăng cường liên kết trong sản xuất - tiêu thụ nông sản, việc phát triển du lịch gắn với cộng đồng, kết hợp với các di tích lịch sử - văn hóa cũng là hướng đi tiềm năng mà chính quyền địa phương đang hướng đến nhằm thúc đẩy sự gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp với các loại hình kinh doanh, dịch vụ và các ngành nghề khác, tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp sạch và phát triển bền vững với giá trị gia tăng cao.
°Xin cảm ơn bà!
Lê Hương - Thanh Hường (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc