Multimedia Đọc Báo in

Để quản lý, sử dụng tài sản công hiệu quả

08:34, 10/07/2021

Tài sản công là nguồn lực quan trọng, có phạm vi rộng, chiếm giữ tỷ trọng lớn trong tổng tài sản quốc gia. Đây là nguồn lực nội sinh, nguồn tài chính để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của mỗi quốc gia.

Để hiểu rõ hơn về tài sản công cũng như những quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông BÙI VĂN YÊN – Giám đốc Sở Tài chính.

 

*Tài sản công bao gồm những loại tài sản nào và được quản lý, sử dụng trên những nguyên tắc nào, thưa ông?

Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Tài sản công được phân làm 7 loại, gồm: Tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị phục vụ cho hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công; Tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; Tài sản tại doanh nghiệp; Tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước; Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật; Tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; Đất đai và các nguồn tài nguyên khác do nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật.

Tài sản công được quản lý, sử dụng trên những nguyên tắc: Mọi tài sản công đều phải được nhà nước giao quyền quản lý, quyền sử dụng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trong quá trình sử dụng tài sản công, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, công năng, chống lãng phí, chống tham những. Việc quản lý, sử dụng tài sản được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, mọi hành vi vi phạm phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật…

*Thưa ông, một vấn đề mà nhân dân quan tâm đó là hiệu quả của việc mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước tại tỉnh trong những năm gần đây như thế nào?

Phương thức mua sắm tập trung được áp dụng bắt buộc đối với các loại tài sản công thuộc danh mục tài sản mua sắm tập trung theo quy định của UBND tỉnh. Khi thực hiện mua sắm các loại tài sản này, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (Sở Tư pháp tỉnh) phải lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, công bằng. Các cơ quan, đơn vị được bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước để mua sắm tài sản công chấp hành đúng quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản do cơ quan nhà nước ban hành.

Sau hơn 4  năm thực hiện mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung đã giúp địa phương giảm đầu mối thực hiện mua sắm, kiểm soát được mặt bằng giá cả tài sản; đồng bộ trang thiết bị, phù hợp với nhu cầu và kinh phí được sử dụng của các cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, thông qua mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung, địa phương đã tiết kiệm ngân sách nhà nước được gần 9,5 tỷ đồng.

*Tỉnh Đắk Lắk đã đẩy mạnh hình thức mua sắm tập trung, hiệu quả rất khả quan. Tuy nhiên, cũng còn có sự lúng túng và gặp một số khó khăn, trở ngại. Vậy theo ông, để việc mua sắm tập trung hiệu quả và thực chất hơn cần có những giải pháp gì?

Hiện nay, công tác mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung còn phát sinh một số bất cập, vướng mắc cần được tháo gỡ như: tiến độ triển khai mua sắm tập trung còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu trang bị tài sản cho các cơ quan, đơn vị, từ khâu đăng ký, tổng hợp nhu cầu mua sắm cho đến việc bàn giao, lắp đặt, bảo hành, bảo trì tài sản cũng gặp nhiều khó khăn…

           Đất đai là  tài sản công  cần được  quản lý  chặt chẽ.  Ảnh:  Hồng Chuyên
Đất đai là tài sản công cần được quản lý chặt chẽ. Ảnh: Hồng Chuyên

Để nâng cao hiệu quả công tác mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung, hằng năm Sở Tài chính cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị ban hành hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật, mức giá dự toán của tài sản dựa trên nhu cầu sử dụng thực tế của cơ quan, đơn vị để làm căn cứ đăng ký mua sắm, bảo đảm tính đồng bộ.

Đối với đơn vị mua sắm tập trung cần rà soát, khắc phục những tồn tại trong công tác đấu thầu các năm qua. Quy định rõ chế tài ràng buộc, điều kiện cụ thể với nhà thầu vào thỏa thuận khung. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan, đơn vị bổ sung những nội dung ràng buộc cụ thể vào hợp đồng cho chặt chẽ, nhất là điều khoản trách nhiệm nộp phạt vi phạm hợp đồng đối với nhà thầu khi chậm cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo trì.

*Xin cảm ơn ông!

Như Quỳnh (thực hiện)

 


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.