Multimedia Đọc Báo in

Hồn Tây Nguyên duềnh lên sóng nhạc (Cảm nhận về tập ca khúc Bài ca trên đồi của Mạnh Trí – NXB Âm nhạc 2010)

19:02, 18/12/2010

Từ năm 1984, khi chưa thành danh, Siu Black đã trình bày thành công ca khúc Bài ca trên đồi. Chất giọng khỏe, vang, bốc lửa trời cho của Siu Black lại thêm giai điệu day dứt, nức nở của tiếng sáo Đinh buôt, phù hợp với  chất liệu và chủ đề của bài hát khiến người nghe rưng rưng. Đó là ca khúc của Mạnh Trí và cũng là tên của tập nhạc, được nhiều bạn trẻ cả nước ngưỡng mộ.

Mạnh Trí tự học và trở thành nhạc công, ca sĩ chính của Đoàn Ca múa Dak Lak (1975). May mắn làm sao anh được Đoàn cử đi thi và đỗ điểm cao vào Đại học Âm nhạc chính quy, chuyên ngành Sáng tác tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh từ năm 1982 đến 1987, tốt nghiệp loại giỏi với giao hưởng Đam San. Ngay từ 1980, ca khúc Chờ em xuống núi do chính tác giả trình bày đã được tặng giải A trong Hội diễn Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Với Trăng soi cội nguồn, NSND Y Moan thêm một lần biểu diễn thành công, đoạt Huy chương Vàng. Từ đó Mạnh Trí tiếp tục gặt hái nhiều trong sáng tác, không ít ca khúc được các ca sĩ lựa chọn biểu diễn, giọng hát mới bắt đầu trưởng thành H’Zina cũng biểu diễn thành công bài hát Trở về buôn làng xưa trong đợt Hội diễn Ca Múa Nhạc toàn quốc năm 2005 và cả sau đó đã gây ấn tượng tại Ngôi sao tiếng hát truyền hình năm 2007 tại TP. Hồ Chí Minh. Tốp ca của Đoàn Ca múa chọn Rừng núi hát tình ca biểu diễn trong nhiều chương trình nghệ thuật; chút biến tấu làm “mềm” đi giọng Đô trưởng phù hợp với âm hưởng, tiết tấu vừa tha thiết, trữ tình của điệu Kưt, Eirei, vừa sôi động, khỏe khoắn, đó là nét đặc trưng của dân ca và nhạc chiêng Êđê. Tập ca khúc Quà của em gồm 30 bài hát viết cho thiếu nhi cũng mang lại giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cho Mạnh Trí. Tập ca khúc Nhịp điệu cao nguyên tập hợp 17 bài viết về Tây Nguyên, Dak Lak được đánh giá cao, sử dụng nhiều trong ca múa chuyên nghiệp và nghệ thuật quần chúng tại các tỉnh Tây Nguyên.

Chất Tây Nguyên, hồn Dak Lak đã làm nên nhạc Mạnh Trí. Năm 2000 tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã công diễn bản Trio-Sonate viết cho Violoncelle, Flute và Piano tác phẩm Về buôn mới. Thành công lớn nhất của anh năm 2003 là người nhạc sĩ đầu tiên ở Tây Nguyên viết hợp xướng 4 chương Ban Mê một bài ca với dàn nhạc lớn được Nhà hát Giao hưởng Vũ kịch TP. Hồ Chí Minh dàn dựng và công diễn. Năm 2004, được Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam - giáo sư Trọng Bằng ký hợp đồng viết tác phẩm quy mô lớn, bản giao hưởng Ngọn lửa Ban Mê và đã được nghiệm thu.

Thiếu nữ Bản Đôn. (Ảnh: Đặng Bá Tiến)
Thiếu nữ Bản Đôn. (Ảnh: Đặng Bá Tiến)

Năm 2006, anh được chọn đi dự Trại sáng tác Âm nhạc quốc tế lần thứ I tại Huế (gồm 10 nước Âu, Á cùng tham gia) được cấp Bằng chứng nhận tác phẩm tứ tấu Rondo Nỗi buồn vui của rừng. Nhân kỷ niệm 5 năm thành lập tỉnh Dak Nông (2009) anh lại viết 2 bản hợp xướng và dàn nhạc trong tổ khúc Dak Nông tình yêu đại ngàn gồm trên 200 diễn viên và dàn nhạc kèn biểu diễn. Với Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa quần chúng (Bộ VHTT tặng năm 2000), Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam (Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tặng năm 2002), Giải thưởng VHNT Chư Yang Sin năm 2010 về sáng tác âm nhạc, cũng đủ đánh dấu năng lực hoạt động sáng tạo miệt mài, liên tục và bền bỉ trong sự nghiệp mà anh đang mang nặng từ tâm hồn, tình yêu và cả tâm thế đứng trước mảnh đất cao nguyên đầy nắng gió.

Mạnh Trí say mê sáng tác cả hai lĩnh vực khí nhạc và thanh nhạc, anh lại để tâm nghiên cứu, sưu tầm âm nhạc Tây Nguyên cho nền móng sáng tạo càng vững chắc. Trong công tác đào tạo, anh đã gắn bó 14 năm với Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Dak Lak. Anh cũng là Ủy viên Ban chấp hành Hội VHNT Dak Lak hai khóa đầu. Những năm đầu của cơ chế thị trường, người nhạc sĩ không khỏi long đong, anh đã từng phát rẫy trồng mía cùng nhạc sĩ Văn Liền và cùng thất thu. May mắn làm sao vẫn đeo đẳng tình yêu âm nhạc để trở thành nhạc sĩ đa tài, để hồn Tây Nguyên duềnh lên sóng nhạc.

 

Hữu Chỉnh

 


Ý kiến bạn đọc