Multimedia Đọc Báo in

Sự trở lại của "Vua sư tử"

10:30, 25/09/2011
Trở lại màn ảnh rộng với phiên bản 3D, một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Walt Disney tiếp tục thành công khi thu về 29,3 triệu USD, giành ngôi quán quân bảng xếp hạng Bắc Mỹ.
 
Có kinh phí 45 triệu USD, The Lion King (1994) đã đem về cho Walt Disney doanh thu khổng lồ 783,8 triệu USD và đến nay vẫn là bộ phim hoạt hình 2D ăn khách nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới. Lần này The Lion King (2011) là một trong những tác phẩm nằm trong dự án 3D hóa các phim hoạt hình ăn khách của Disney, đã quay trở lại với khán giả màn ảnh rộng và những người hâm mộ "Vua sư tử". Theo nhà sản xuất Don Hahn, nội dung câu chuyện trong phiên bản 3D vẫn giữ nguyên như phiên bản gốc năm 1994.
 
The Lion King kể lại cuộc hành trình của chú sư tử con hiếu thắng Simba - đang "nóng lòng chờ đến ngày được làm vua". Tuy nhiên, vì lòng đố kỵ, chú của Simba là Scar đã lên kế hoạch tước lấy ngai vàng bằng cách buộc Simba phải bị trục xuất khỏi vương quốc.
 
Trên quãng đường độc hành lang bạt, Simba gặp gỡ đôi bạn gồm chú chồn lém lỉnh Timon và lợn rừng tốt bụng Pumbaa. Chịu ảnh hưởng bởi lối sống thảnh thơi, vô tư lự, Simba tạm thời quên đi trách nhiệm và bổn phận thực sự. Cho tới khi cậu nhận ra định mệnh của mình là phải quay lại vùng đất của niềm kiêu hãnh, trở về đúng với vị trí ban đầu trong vòng tròn định mệnh cuộc đời mình...
 
The Lion King phiên bản 3D trở nên hấp dẫn hơn với sự tham gia lồng tiếng của nhiều ngôi sao như Matthew Broderick, Nathan Lane, Whoopi Goldberg, James Earl Jones, Jeremy Irons, Ernie Sabella, Jonathan Taylor Thomas, Robert Guillaume, Cheech Marin và Moira Kelly.
 
Chuyên viên 3D Robert Neuman nói, "Hiệu ứng 3D có thể giúp kể câu chuyện thú vị hơn. Chúng tôi sử dụng chúng theo cách mà các nhà soạn nhạc sử dụng âm nhạc làm điểm nhấn trong phim, khuếch trương những thông điệp về cảm xúc mà câu chuyện mang lại.... Tôi thấy mình cực kỳ may mắn khi có cơ hội đưa công nghệ 3D vào The Lion King, song hành cùng các nhà làm phim chuyên nghiệp từng tạo nên thành công của tác phẩm".
 
... Quá trình chuyển đổi sang 3D được thực hiện bởi một nhóm gồm hơn 60 chuyên viên thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó có ánh sáng, thiết kế, hiệu ứng và kỹ thuật công nghệ. Cùng nhau, họ đã tạo ra một chiều sâu mới cho The Lion King. Chịu trách nhiệm giám sát quá trình thực hiện, Neuman đã vẽ ra một kịch bản 3D dành cho phim. Trong đó, ông nêu rõ độ sâu cần thiết đối với từng phân cảnh, từ đó thiết lập thành hiệu ứng 3D. Một trong những nhân vật mà đoàn làm phim gặp khó khăn khi chuyển thể sang phiên bản 3D là Zazu. Chỉ riêng đôi cánh và cái mỏ đã yêu cầu nhiều cấp độ khác nhau về chiều sâu. Phân cảnh rắc rối nhất trong phim là bài hát Be Prepared của Scar, bởi nó sử dụng hiệu ứng hình ảnh đặc biệt và có quá nhiều nhân vật.
 
Toàn bộ quá trình chuyển thể sang phiên bản 3D của bộ phim diễn ra trong vòng 4 tháng - khoảng thời gian quá ngắn so với mức độ phức tạp về hình ảnh cũng như số lượng các nhân vật trong phim. Một vài thông số quan trọng nhất trong quá trình thực hiện bộ phim này và công chiếu vào thời điểm năm 1994 mà ít người biết đến, đó là có hơn 600 nghệ sĩ, họa sĩ và chuyên viên kỹ thuật góp phần làm nên thành công cho The Lion King; hơn 1 triệu bản vẽ đã được thực hiện, trong đó có 1.197 bối cảnh cùng 119.058 phân cảnh được tô màu hoàn toàn bằng tay.
 
Để nắm bắt được trọn vẹn vẻ đẹp rộng lớn, bao la của vùng đất châu Phi trong phim, 6 chuyên viên ý tưởng đã đích thân tới Đông Phi từ những ngày đầu của quá trình làm phim. Đối với họ, chuyến đi để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc, giúp tái hiện thành công nhiều bối cảnh đã khiến bộ phim trở nên khác biệt. Trải nghiệm tiếp xúc với những con sư tử thứ thiệt cùng nhiều động vật hoang dã khác giúp họ xây dựng và định hình nên vai trò của các nhân vật trong phim.
Trailer phim:
G.T ( Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.