Điệu dân ca xứ Nghệ trên đất Tây Nguyên
20:15, 07/01/2012
Dân ca là một trong những nét văn hóa đặc sắc của xứ Nghệ. Những lời ca, điệu hò, câu ví giản dị, trữ tình, gợi nhớ, gợi thương với những người xa quê càng thêm thấm đượm tình đất, tình người xứ Nghệ trên Tây Nguyên.
Dân ca là bản sắc của mỗi vùng quê thân thương, ngân vang lắng đọng trong hồn người. Những điệu dân ca xứ Nghệ là tâm hồn, diện mạo, nỗi lòng, cốt cách của người dân nơi đây. Đó là những câu hát ru à ơi ngân nga đưa trẻ thơ vào giấc ngủ, nuôi lớn tâm hồn và chắp cánh cho bao ước mơ; là những điệu hát giao duyên sâu lắng thiết tha, điệu ví phường vải, ví đò đưa bay bổng... vang lên dưới gốc đa và sau lũy tre làng. Đó còn là câu hò đối đáp giao duyên tình tứ trong những đêm trăng hay những buổi lao động trên ruộng đồng...Giờ đây, những làn điệu dân ca xứ Nghệ còn được ngân nga đâu đó trong những căn nhà, giữa rẫy cà phê bát ngát trên Tây Nguyên đa dạng sắc màu văn hóa – mảnh đất níu chân người, nơi hội tụ của những người con xa xứ.
Câu lạc bộ dân ca Ea Bhôk đang biểu diễn |
Với những người quê Nghệ An, Hà Tĩnh ở xã Ea Kpam – Cư M’gar thì những làn điệu dân ca đặc sản của quê hương là tài sản tinh thần, là hành trang không thể thiếu của họ trong hành trình xây dựng hạnh phúc trên miền đất mới. Bởi họ đã đi vào giấc ngủ tuổi thơ bằng lời ru êm ái của bà, của mẹ, lớn lên theo những làn điệu dân ca ngọt ngào, vượt qua nỗi khó khăn của cuộc đời bằng những câu hò, điệu ví. Sau một ngày lao động mệt nhọc, buổi tối, những người dân hồn hậu chất phác ở đây lại gặp nhau hát những bài dân ca Nghệ Tĩnh để quên đi những lo toan của cuộc sống. Và hơn hết, sâu thẳm trong tâm hồn họ là nhớ nỗi nhớ quê hương da diết, là một chút tình đơn sơ mà sâu lắng gửi gắm về mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Bên những miếng trầu thơm nồng và bát nước chè xanh bốc khói, những lời ca bằng giọng xứ Nghệ lại cất lên một cách tự nhiên, khiến ai không phải là người Nghệ Tĩnh được nghe cũng cảm thấy rung động, dù đó là tiếng hát của chị Mến đôi tay chai sần vì lao động, bà Thái hàm răng móm mém nhai trầu, hay anh Thức bề ngoài có vẻ khó gần…Họ cùng hát cho nhau nghe một cách tự nhiên, hát cho cuộc sống thêm vui, sẻ chia bao tâm sự bằng tất cả tấm lòng sẻ chia. Nhìn những đôi mắt sáng ngời, thả hồn theo lời ca tha thiết, mới cảm nhận được hết niềm vui và nỗi lòng của những người con xứ Nghệ xa quê. Người này nối tiếp người kia hát, những câu ca không dứt, hòa vào đất trời, đến khi ấm chè xanh cạn hết mới thôi. Họ thảnh thơi chia tay nhau để người nghe có cảm giác rằng với những người dân hồn hậu này thì chẳng có khó khăn, thử thách nào không thể vượt qua.
Những người xứ Nghệ vào lập nghiệp ở Ea Bhôk, huyện Cư Kuin thì tập hợp nhau lại, thành lập “Câu lạc bộ dân ca” để gặp gỡ, hát cho thỏa niềm đam mê. Câu lạc bộ thành lập từ 1996, do chị Dương Thị Lương làm chủ nhiệm với 10 thành viên chính thức, chủ yếu là các bà, các chị, trong đó người là giáo viên, người công chức, người là nông dân. Ban ngày, họ cần mẫn lo toan cuộc sống, chăm sóc gia đình, đêm đến, lại gặp nhau trò chuyện, chia sẻ buồn vui qua lời ca tiếng hát. Những bài hát do thuộc lòng, hoặc được chép vào sổ, sưu tầm đĩa mang về tập; và cả những bài hát do họ tự viết lời. Đó là nỗi lòng gửi về quê hương Nghệ Tĩnh ân tình. Đây những câu ca mượt mà mang nặng niềm vui vì những đổi thay trên quê hương mới – Cư Kuin:
“Rừng cao su bát ngát/ Cà phê đỏ tím đồi/ Vườn tiêu vẫn sinh sôi/ Nay quê ta giàu đẹp”.
Những bài hát ca ngợi người phụ nữ Việt Nam anh hùng:
“Chị em phụ nữ chúng ta/ Noi gương truyền thống hai bà nữ Vương/ Vì đất nước gìn giữ giang sơn/ Vì dân tộc quyết gìn giữ giang sơn”/ hay là lời khuyên nhủ nhẹ nhàng các bạn trẻ đừng sa đà vào tệ nạn xã hội mà phá vỡ hạnh phúc gia đình, mất tình làng nghĩa xóm:
“
Ra đi lòng lại dặn lòng/ Tránh xa ma túy, đề phòng mại dâm/ Dù cho cuộc sống thăng trầm/ Bài trừ tệ nạn để xóm làng yên vui”.
Không những hát cho nhau nghe trong những đêm sinh hoạt câu lạc bộ, họ còn tập cho bọn trẻ trong xóm biết hát và yêu thích những làn điệu truyền thống của quê hương; hát khi thôn làng có sự kiện quan trọng. Tên tuổi của câu lạc bộ vang xa, thường xuyên được mời tham dự và đoạt các giải cao trong các hội diễn văn nghệ quần chúng cấp huyện, tỉnh. Tuy nhiên, điều quan trọng với họ không phải là những giải thưởng mà là niềm vui từ những lời ca thiết tha sâu nặng của quê hương giúp họ quên đi âu lo, xích lại gần nhau hơn và được sống trong không khí của hồn quê gốc rạ. Chị Bùi Thị Vinh, rời làng quê Nam Đàn – Nghệ An khi mới trải qua tuổi thơ gian khó nhưng đầy ắp kỷ niệm.
Cuộc sống trên quê hương mới tuy còn vất vả nhưng chị vẫn thường xuyên gặp gỡ mọi người để hát, chia sẻ niềm đam mê dân ca, nói với nhau những điều hay lẽ phải, động viên nhau vượt qua khó khăn. Chị tâm sự: “Cứ hát cho vui, cho cuộc sống lạc quan rồi khó khăn, mệt mỏi sẽ tan đi”. Cũng như thế, những làn điệu dân ca cứ theo cùng cô Điệp, chị Lương, chị Phượng…giúp họ vững vàng hơn trong cuộc sống nơi quê xa. Và riêng tôi, một người xứ Nghệ tha hương thật sự đồng cảm khi nghe những lời bộc bạch đầy ân tình từ đáy lòng họ: “Ngày Tết không có điều kiện về quê, nghe mấy bài dân ca Nghệ Tĩnh cũng cảm thấy đỡ nhớ”.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc