Multimedia Đọc Báo in

Thưởng thức cà phê – nhạc chim

06:42, 03/03/2012

Hơn một năm trở lại đây ở TP. buôn ma thuột – thủ phủ cà phê nước ta – ngoài nhiều cách thưởng thức cà phê như lâu nay chúng ta đã biết, đã xuất hiện thêm một cách thưởng thức cà phê mới: Vừa nhâm nhi từng “giọt đắng”, vừa nghe  hàng trăm con chim khoe tiếng hót.

Trường chim 86 Nguyễn Khuyến, TP. Buôn Ma Thuột.

Quả thật cách thưởng thức cà phê kiểu này rất thú vị, thú vị hơn hẳn các kiểu thưởng thức cà phê khác. Bởi không chỉ vị giác, khứu giác được thưởng thức hương và vị của cà phê theo cách thông thường mà các giác quan còn lại cũng cảm nhận được niềm vui riêng: Tai được nghe dàn nhạc chim với hàng trăm giọng hót líu lo, ríu ran, bổng, trầm, trong, đục, những lời tán dương chúc tụng của các chủ chim; mắt được thấy những dáng chim thon thả, thanh thoát, những màu lông óng ánh, mượt mà; bàn tay được tìm đến bàn tay để cùng hẹn hò đưa chim đi khoe giọng ở một nơi nào đó, hoặc có thể là một cuộc thách đấu giữa “chim tôi” và “chim anh”, để qua đó tìm đến những trạng thái hồi hộp, vui, buồn…Tất cả những điều đó làm nên điều thú vị đặc biệt của quán cà phê – nhạc chim, để rồi chỉ đến đó một lần nhưng ta phải nhớ mãi, thèm được trở lại, rồi trở lại liên tục, cho đến một lúc nào đó ta bỗng nghiện kiểu thưởng thức cà phê này... 

Người ở Buôn Ma Thuột gọi các quán cà phê như thế là “Trường chim”. Anh Nguyễn Đức Hiệp một nhân viên của “Trường chim” 86 Nguyễn Khuyến, TP. Buôn Ma Thuột giải thích: Nghĩa của chữ “trường” ở đây tương tự như cách nói “sân chim” của người Nam bộ. Ngoài ra cũng có thể hiểu: Đây là nơi những người yêu chim mỗi sáng đến vừa uống cà phê, vừa trao đổi tâm tình, chia sẻ kinh nghiệm về cách chọn chim khi mua, cách chăm sóc chim, các loại thức ăn cho chim hót, chim đá, hoặc có thể mua bán trao đổi chim… Anh Hiệp cho biết: Hiện ở Buôn Ma Thuột có 6 trường chim như thế. Những người tham gia trường chim cứ mỗi sáng lại đưa vài con chim hay nhất của mình đến treo lên giàn kèo tre bắc trên sân quán hoặc đặt ngay trên nền gạch của sân quán để chúng ghẹo nhau, khích nhau, nhảy múa, khoe giọng, rồi ngồi bàn tán, bình phẩm: con nào là nam vương, con nào trong dáng ngất ngưởng Chí Phèo mà giọng lảnh lót, trong veo, con nào thích gây sự, con nào lầm lì mà xung trận cực hay…  Mỗi sáng trường chim ở đây có khoảng 100 lồng chim tề tựu và chừng trăm khách ngồi nhâm nhi...

Một điều thú vị khác là: Đến Trường chim Nguyễn Khuyến, ngoài thưởng thức cà phê và “nhấm nháp” giọng chim, tôi đồng thời “vỡ lòng” được ít nhiều cách chơi chim của dân Dak Lak. Hai loài chim được ưa thích nhất ở các trường chim Dak Lak là chích chòe than và chích chòe lửa. Chích chòe ở đây 99% được đưa từ Quảng Ngãi, Nha Trang lên. “Vì sao vậy? Dak Lak cũng nhiều chích chòe lắm mà”, tôi hỏi anh Hiệp. Anh thủng thẳng: - “Không hiểu sao, có lẽ do khí hậu và vùng đất, chích chòe Dak Lak thường chậm chạp, giọng hót không lảnh lót bằng chim vùng dưới đồng bằng, khi đá thường nhát, không lì đòn và không chiến”. Giá một con chích chòe hiện thời có thể từ vài trăm nghìn đến… 80 triệu đồng. “Ví như con kia - anh Hiệp đưa tay chỉ vào một con chim chích chòe đang đặt trên sân - của anh Hải, đã có người trả đến 80 triệu rồi đấy. “Vì sao lại đắt vậy?”, tôi hỏi. Anh Hiệp cho biết: Ba tiêu chuẩn để con chim được phong vương là đá hay, dáng đẹp, giọng tốt; trong đó đá hay là tiêu chuẩn đầu tiên. Con chim của anh Hải dám chấp tất cả những con chim ở đây…

Cũng từng mua và nuôi vài con chim chích chòe cho vui, nhưng tôi nào hiểu vẻ ngoài của con chích chòe như thế nào thì hay hót, như thế nào thì hay đá. Giờ đến đây tôi mới hiểu: Con luôn nhào lộn trong chuồng là con thích đá, con chỉ ngồi xê dịch trên kèo rồi xòe rộng đuôi là con hay hót; chim đá ngoài thức ăn thông thường phải cho ăn thêm cào cào, liu điu (giống con thạch sùng) thì chim mới khỏe, đá mới hăng, phải cho nó tập luyện với cục bố (như võ sĩ tập với bao cát), hàng ngày phải cho tắm nắng, tắm nước như thế nào…

 Đấy là những điều thú vị của một cách thưởng thức cà phê mới ở Buôn Ma Thuột. Có dịp đến công tác, hay du lịch ở Buôn Ma Thuột, bạn đừng quên cách thưởng thức cà phê mới này.

Đặng Bá Tiến


Ý kiến bạn đọc