Bảo tồn văn hóa cồng chiêng ở Cư M’gar: Từ những nỗ lực gìn giữ các lễ hội truyền thống
“Ở Cư M’gar, lễ hội vẫn còn giữ được nét hồn nhiên, phóng khoáng như đất trời, như tâm hồn của người Tây Nguyên, may mắn thay nó chưa bị sân khấu hóa.” Nhạc sĩ Nguyễn Cường đã thốt lên điều đó khi trở lại Cư M’gar trong lần tham gia Trại sáng tác âm nhạc và múa Dak Lak lần thứ 2-2012. Đó cũng là cảm nhận của chúng tôi mỗi khi cùng đắm mình trong tiếng chiêng cồng, hòa nhịp theo những vòng xoang lễ hội trên mảnh đất này.
Bộ chiêng quý được Y Jang Niê ở buôn Phơng, xã Cư Dliê M'nông cất giữ cẩn thận. |
Ở buôn Kon H’ring, xã Ea H’đing, khi vào ngày đầu tiên của năm mới, bà con trong buôn ai cũng phấn khởi chuẩn bị cho lễ hội mừng cơm mới của buôn. Đây được xem là lễ hội quan trọng nhất bởi nó mang thông điệp ấm no hạnh phúc, cuộc sống đủ đầy đến cho mọi người, và lễ hội do cả buôn đứng ra tổ chức, mỗi người dân trong buôn là một thành phần không thể thiếu, tạo nên một thể thống nhất của lễ hội, chính điều này tạo nên sức mạnh đoàn kết của cộng đồng. Vào lễ hội, người ta có thể tạm quên đi những nhọc nhằn mưu sinh thường nhật để hòa mình vào tiếng chiêng, vang xa cùng rượu cần và những vòng xoang nối dài mãi cho đến khi rượu nhạt, hội tan. Già làng A Viết bảo, người trẻ cũng như người già, nam cũng như nữ không phân biệt. Ai đánh chiêng cứ đánh, ai múa cứ múa, ai hát cứ hát còn ai uống rượu cần thì cứ uống. Lễ hội ở đây là vậy, gần như không có sự ngăn cách về không gian, thời gian.
Còn ở buôn Phơng, xã Cư Dlêi M’nông, vào những ngày lễ hội, tiếng chiêng rộn rã, ngân dài từ đầu làng đến cuối buôn. Đó là chiêng ngân trong lễ mừng mùa, chiêng vang trong lễ mừng cơm mới, chiêng rộn rã trong lễ đặt tên. Y Jang Niê, một trong những người còn lưu giữ nhiều chiêng, chóe nhất buôn, cũng là người đã đi qua nhiều mùa lễ hội chia sẻ, với đồng bào Êđê, các nghi lễ không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt cộng đồng. Ở đó, lễ không chỉ của riêng ai, hay một gia đình nào cá biệt mà là của cộng đồng, buôn làng. Người có bò, mổ bò; có heo, mổ heo; có gà, giết gà; có rượu, góp rượu; có chiêng, đến góp tiếng chiêng. Tất cả đều là sự tự nguyện để dâng lên Yàng. Lễ hội là sự giao hòa giữa người với người, giữa con người với thiên nhiên.
Đánh chiêng và múa dân gian trong Lễ mừng cơm mới ở buôn Kon H’ring |
Trước tình trạng những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên nói chung, Dak Lak nói riêng đang dần mai một, thì những nỗ lực gìn giữ của cộng đồng các dân tộc bản địa ở Cư M’gar đối với những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng, dân tộc mình quả thật đáng trân trọng. Như những gì mà A Viết bày tỏ: “Già luôn băn khoăn, đến khi mình không còn đọc được lời cúng Yàng thì con cháu mình có kế tục được hay không? Chính vì vậy, mỗi lần tổ chức lễ hội cũng là dịp để dạy lớp trẻ biết làm cây nêu, biết đọc các bài cúng. Đã là con cháu Xê Đăng thì chúng phải được lớn lên từ lễ hội.” Ông A Mang, Phó trưởng Phòng văn hóa huyện Cư M’gar cho biết, trước những áp lực nghiệt ngã của đời sống kinh tế thị trường, của quá trình đô thị hóa, để những giá trị văn hóa truyền thống không mất đi thì chẳng còn cách nào khác cần sự chung sức, chung tay của cả cộng đồng, quan trọng hơn là chính người làm nên những giá trị văn hóa đó phải ý thức được tầm quan trọng của nó đối với cộng đồng mình để ra sức gìn giữ. Với chính quyền địa phương, trong những năm qua, đã tổ chức, phục dựng nhiều lễ hội truyền thống: Ăn cơm mới của đồng bào Xê Đăng tại buôn Kon H’ring xã Ea H’đing; Ăn cơm mới của đồng bào Thái xã Ea Kuêh; Cúng buôn của buôn Ayun xã Êa kuêh; Cúng sức khỏe của Buôn Phơng xã Cư Dliê M’nông; Cúng bến nước của Buôn Sut Mgrư, xã Cư Suê. Ngoài ra, Phòng văn hóa huyện cũng đã tổ chức mở lớp dạy đánh chiêng cho thanh thiếu niên tại các buôn. Đến nay, toàn huyện có 25 đội chiêng trẻ, 49 buôn còn lưu giữ các bộ chiêng. Hiện, toàn huyện có 420 nghệ nhân biết đánh cồng chiêng, 30 nghệ nhân biết chỉnh chiêng, lưu giữ 261 bộ chiêng, 122 bài chiêng, 37 bộ sử thi, 72 truyện cổ, 186 nghi lễ - lễ hội, 146 bài cúng, 36 bến nước, 201 ngôi nhà dài truyền thống.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc