Mái nhà cổ triều Tây Sơn trong khu du lịch đồi Mộng Mơ Đà Lạt
Ngôi nhà được xây dựng dưới triều Tây Sơn khoảng năm 1772 của một gia đình phú nông tại thôn An Hòa, xã Nhơn Khánh, huyện An Nhơn (tỉnh Bình Định). Đây là một trong hai ngôi nhà cổ được Khu Du lịch Đồi Mộng Mơ (Đà Lạt) chuyển từ Bình Định đến vào năm 2003 để bảo quản và phục vụ du khách tham quan.
Ngôi nhà cổ được Khu Du lịch Đồi Mộng Mơ (Đà Lạt) chuyển từ Bình Định đến vào năm 2003 để bảo quản và phục vụ du khách tham quan. |
Nhiều du khách đến Khu du lịch sẽ ngạc nhiên thú vị khi tham quan một nhà trưng bày chiêng ché của các dân tộc bản địa, một khu vực nuôi dưỡng những động vật kỳ lạ hay những hạng mục công trình phục vụ du lịch khác ở nơi đây. Tuy nhiên, trong khu du lịch này còn có hai mái nhà cổ được trưng bày bảo quản thật sự đã làm say lòng bao du khách ghé thăm.
Ngôi nhà đầu tiên là của một gia đình con cháu nhà họ Lâm là ông Lâm Thanh Túy, mang đặc điểm của nhà truyền thống người Việt. Nhà được thiết kế ba gian hai chái, gian giữa là dùng để thờ, hai gian bên dùng để ngủ. Kết cấu của ngôi nhà hoàn toàn bằng các loại gỗ quý như gỗ xoay, gõ, rớm, kiền kiền, muồng. Toàn bộ kết cấu chỉ dùng mọng, không có đinh vít hay đinh đóng, dễ tháo rời và lắp ráp dễ dàng. Theo nhiều nhà nghiên cứu thì ngôi nhà này có khả năng chống nóng, chống lạnh và gió bão. Ngôi nhà còn có bức bình hoành phi có ba chữ Hán là "Túy Tiên Từ" tức là ngôi nhà thờ của gia đình ông Túy, hoành phi được viết bằng ba chữ đại tự lớn chân phương. Bên cạnh đó còn có hai câu đối được bài trí ở gian giữa làm cho ngôi nhà toát lên vẻ sang trọng cổ kính. Bên trên nóc nhà có bài trí một hình bát quái tượng âm dương ngũ hành được khắc tám quẻ, càn, khôn, ly, tốn,… bái quái âm dương tượng trưng cho một lá bùa hộ gia, với ước vọng gia đình luôn được bình an khang thái với quan niệm “kim ngọc mãn đường gia trạch vượng, hồng phúc tề thiên phú quý trường”. Do đó, bát quái âm dương là vật thiêng không thể thiếu trong các ngôi nhà cổ truyền thống của người Việt. Bên trong ngôi nhà còn có đặt một chiếc bàn xoay độc đáo. Theo các nhân viên trong khu du lịch cho biết, chiếc bàn có thể tự xoay được khi đặt bàn tay mình lên chiếc bàn và muốn xoay về bên nào thì chiếc bàn sẽ xoay về bên đó. Chiếc bàn không hề có đấu nối hay động cơ nào mà hoàn toàn là bằng gỗ, tuy nhiên không phải ai đụng vào cũng xoay được.
Ngôi nhà thứ hai cũng độc đáo không kém. Đây cũng là một ngôi nhà kiến trúc ba gian, kết cấu hoàn toàn bằng gỗ, mái lợp bằng ngói bò, bên trong nhà được bố trí bàn thờ Phật ở gian giữa. Bàn thờ được chạm khắc trang trí hoa văn và hai con rồng đang tranh quả cầu. Ngôi nhà này cũng được khắc đôi cặp câu đối trang trí làm toát nên vẻ sang trọng cho chủ nhân của nó.
Hiện nay hai ngôi nhà này đang được bảo quản và phục vụ cho khách tham quan chiêm ngưỡng về một kiến trúc độc đáo của cha ông ta một thời.
Nguyễn Huy Khuyến
Ý kiến bạn đọc