Multimedia Đọc Báo in

Thương hiệu Festival Huế

10:20, 05/05/2012

Cùng với nhiều thương hiệu vật thể và phi vật thể nổi tiếng của mảnh đất Việt Nam hình chữ S này, Festival Huế đã trở thành một trong những thương hiệu, một sự kiện văn hóa có sức hút mãnh liệt. Trong lòng du khách gần xa, Huế cũng đã trở thành một thành phố festival đặc trưng của Việt Nam.

Định hình và lớn mạnh

Năm 2000, Festival Huế được tổ chức mang tầm quy mô quốc gia và tính quốc tế đầu tiên ở Việt Nam. Với sự tham gia của trên 30 đơn vị nghệ thuật, trên 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, thu hút hơn 410.000 lượt du khách trong đó có 6.000 lượt khách quốc tế, đây thực sự là ngày hội văn hóa, nghệ thuật mang ý nghĩa chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa sâu sắc; là hoạt động thí điểm quan trọng để rút kinh nghiệm, chỉ đạo các kỳ festival tiếp theo. Tiếp tục phát triển chủ đề “Khám phá nghệ thuật sống của Cố đô Huế” bước sang lần tổ chức thứ hai, Festival Huế 2002 đã tạo được tiếng vang lớn, mang tầm quốc gia và quốc tế, tạo cơ hội cho việc hình thành ý tưởng xây dựng Huế trở thành thành phố festival đặc trưng của Việt Nam. Festival Huế 2004 đánh dấu thêm một lợi thế nữa của Huế với sự kiện Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là Kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại. “700 năm Thuận Hóa – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế”, chủ đề  Festival Huế 2006 được giới thiệu và khắc họa với khối lượng đoàn nghệ thuật, diễn viên, nội dung, chương trình quy mô, đồ sộ: 44 đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế; 1.400 nghệ sĩ, diễn viên, trên 40 hoạt động văn hóa và lễ hội cộng đồng, thu hút 1,5 triệu lượt người tham dự… Chương trình được đánh giá là một lễ hội có quy mô lớn, bảo đảm được tính dân tộc và hiện đại, hoành tráng, hấp dẫn và thể hiện đẳng cấp của một festival chuyên nghiệp.

Lễ hội
Lễ hội "Thiên hạ thái bình" trong Festival Huế 2012.

Tụ hội tinh hoa của 62 đoàn nghệ thuật đến từ các vùng miền trên cả nước và quốc tế, Festival Huế 2008 tiếp tục khai thác, tôn vinh những giá trị văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế, quảng bá có hiệu quả với bạn bè trong nước và quốc tế hình ảnh Huế, tổ chức quy mô hoành tráng, có chất lượng, thể hiện được nội dung và tiêu chí “truyền thống, hiện đại”. Tại Festival Huế 2010, âm hưởng nghệ thuật dân gian của 3 miền đất nước: Bắc, Trung, Nam đã khắc sâu trong lòng du khách bốn phương và đem đến sự ngỡ ngàng cho công chúng trước sắc màu văn hóa của các dân tộc Việt Nam. Đó cũng là thông điệp, là món quà của Huế dâng tặng, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Sự lan tỏa sâu rộng của Festival Huế kỳ này thể hiện ở ở chuỗi 34 hoạt động cộng đồng và 20 hoạt động hưởng ứng, 198 suất diễn biểu diễn tại 29 sân khấu… được trình diễn, tái hiện bằng tất cả sự đam mê, tâm huyết, nhiệt tình và tài năng của 6.500 nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp, nghiệp dư và diễn viên quần chúng; thu hút gần 3 triệu lượt người tham dự.

Khẳng định sự vững vàng

Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển – Nơi gặp gỡ của các thành phố lịch sử”, Festival Huế 2012 diễn ra từ ngày 7 đến ngày 15-4 là hoạt động quan trọng, điểm nhấn của Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ Huế -2012.

 Áo  dài tím,  nét  đặc trưng  rất Huế
Áo dài tím, nét đặc trưng rất Huế.

Tại Festival Huế 2012, ngoài các chương trình nghệ thuật tiêu biểu của Việt Nam đặc biệt là nghệ thuật cung đình Huế, còn có sự tham gia của hơn 30 đoàn nghệ thuật đến từ 5 châu lục và hàng loạt các hoạt động nghệ thuật đường phố và tiêu biểu cho các nền văn hóa lớn. Trong Festival Huế 2012 có các chương trình nghệ thuật đặc sắc diễn ra hằng đêm tại các sân khấu ở Đại Nội và Cung An Định, các sân khấu ở Quảng trưởng Ngọ Môn, Quảng trường Quốc Học với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật và nghệ sĩ nổi tiếng đến từ các quốc gia như Pháp, Bỉ, Nga, Ba Lan…

Nét mới trong Festival Huế 2012 là có các chương trình sân khấu hóa như “Thiên hạ Thái Bình” (diễn xướng cung đình và lễ hội đèn lồng, hoa đăng), chương trình “Đêm phương Đông”… Ngoài ra còn có các chương trình theo phương thức xã hội hóa trong khuôn khổ festival gồm: lễ hội trống và nhạc cụ gõ “Âm vang hào khí Việt”, những ngày phim lịch sử Việt Nam, các chương trình lễ hội đường phố tổ chức cả ngày và đêm trong suốt thời gian diễn ra festival. Lễ hội “Chợ quê ngày hội” tại Cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy) và phát hành bộ tem “Cầu mái ngói”; Lễ hội “Hương xưa làng cổ” tại làng Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền)… là những lễ hội cộng đồng, giúp du khách khám phá vẻ đẹp độc đáo của vùng đất, con người Thừa Thiên - Huế.

Trong hàng loạt sự kiện diễn ra tại Festival Huế 2012, nhiều lễ hội và tiết mục nghệ thuật đặc sắc lần đầu trình làng. Đó là: Ngọ Môn Huế - Sân khấu chính ngoài trời hoành tránh nhất từ trước đến nay phục vụ Đại tiệc văn hóa 5 châu lục diễn ra vào đêm khai mạc với kiến trúc cung đình mang tính dân tộc hòa quyện trong vẻ đẹp thiên nhiên. Vườn Cơ Hạ - Điểm nhấn trong không gian Đại nội Huế dịp Festival lần này với 600 cây cảnh các loại đặc sắc của các nghệ nhân ở Huế hội tụ về. Đó còn là Lễ hội Trống và nhạc cụ gõ “Âm vang hào khí Việt” – Chương trình hội tụ tinh hoa nghệ thuật âm nhạc; Lễ hội thiếu nhi; Triển lãm về miền di sản -cuộc triển lãm được xem là quy mô và chất lượng nhất từ trước đến nay.

Festival Huế 2012 thật sự thành công khi Ban tổ chức đưa vào rất nhiều chương trình đặc sắc phục vụ cộng đồng và tạo điều kiện để cộng đồng, người dân Huế tham gia lễ hội. Hơn 3.000 nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp, nghiệp dư và diễn viên quần chúng đã đem đến cho khán giả hàng trăm suất biểu diễn nghệ thuật đặc sắc và lễ hội dân gian, lễ hội cung đình hoành tráng, lộng lẫy.

12 năm với 7 kỳ festival, Festival Huế đã trở thành một thương hiệu, một sự kiện luôn được mong đợi trong lòng du khách trong nước và quốc tế. Festival Huế đã trở thành điểm kết nối Huế lịch sử và Huế hiện tại để khẳng định một Huế tương lai gắn kết với Việt Nam và thế giới.

Đ.T


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.