Huyền thoại một dòng sông
Tờ mờ sáng, khi mặt sông còn bảng lảng khói sương, từ bến sông thị trấn Buôn Trấp, tôi đã theo chân người lái thuyền đi ngược Krông Ana.
Anh Ba Hùng - người lái thuyền - dù nét lam lũ, vất vả hiện rõ trên nét mặt, nhưng trên đôi môi lúc nào cũng thường trực nụ cười tươi, thân thiện. Ba Hùng bảo, từ thuở nhỏ, anh đã gắn bó với mái chèo và thông thuộc cảnh sông nước như lòng bàn tay. Vì thế, với anh, sông cũng như con người. Có lúc buồn, lúc vui, khi giận hờn, lúc hứng khởi. Nếu chỉ nhìn, khó ai đoán được dòng sông này lại có lưu vực rộng lớn đến vậy. Sông Krông Ana là hợp lưu của một số dòng sông nhỏ như Krông Buk, Krông Pak, Krông Bông, Krông Kmar, diện tích lưu vực 3.960 km², chiều dài dòng chính 215 km. Sông có dòng chảy tương đối hiền hòa, không có ghềnh thác, đoạn hạ lưu thuộc Lak – Buôn Trấp có độ dốc 0,25%, dòng sông gấp khúc len lỏi qua những vùng núi non hiểm trở, rồi đổ xuống các cánh đồng phì nhiêu. Krông Ana theo tiếng Êđê có nghĩa là sông Cái, cũng có thể hiểu đó là sông Mẹ, sông Con gái. Đồng hành cùng Krông Ana còn có Krông Nô, cũng được hiểu là sông Đực hay là sông Cha, sông Con trai. Hai con sông này hợp lại thành dòng sông Sêrêpôk hùng vĩ, cuồn cuộn chảy trên cao nguyên Dak Lak. Truyền thuyết của người Êđê kể rằng, ngày xưa, có một cô gái yêu chàng trai ở bên kia sông. Nhưng nhà cô gái nghèo, không có chiêng ché, trâu bò để “bắt” chàng trai về làm chồng. Hai bên gia đình do có hiềm khích nên cũng ngăn cấm không cho hai người thương nhau. Đau khổ, tuyệt vọng, cả hai cùng gieo mình xuống sông tự vẫn. Cô gái hóa thành dòng Krông Ana, chàng trai hóa thành dòng Krông Nô. Còn dòng sông Sêrêpôk chính là sự hòa quyện vĩnh hằng của hai người, như lời ngợi ca một tình yêu thủy chung, bất diệt.
Qua chặng đường dài hàng trăm cây số từ vùng núi cao Khánh Dương của trập trùng thảo nguyên M’ Drak, sông Krông Ana băng qua những cánh rừng đại ngàn, khi ầm ầm cuốn qua các ghềnh thác, lúc thênh thang băng qua những cánh đồng, làng mạc trù phú. Nhưng ở bất cứ đâu, Krông Ana cũng là một dòng sông có sự kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp của thiên nhiên và sự phong phú của bàn tay, khối óc của con người khai phá, dựng buôn, xây làng. Krông Ana vẫn như cái tên sông Mẹ của mình đã sinh ra bao cánh đồng màu mỡ cùng với những buôn làng, xóm thôn trù phú dọc đôi bờ, tạo nên sự sống cho vùng đất này. Bên bờ sông, dễ dàng nhận ra những buôn làng của người Êđê như buôn Triết, buôn Trấp, buôn Krông, buôn Tơ Lơ, buôn Kuôp…Trong ký ức những già làng nơi đây, dọc bờ sông Krông Ana vốn là những vùng đất hoang vu ví như tên gọi buôn Trấp có nguồn gốc là buôn T’rấp, theo tiếng Êđê, T’rấp có nghĩa là thung lũng, đầm lầy. Trải dài hai bên bờ sông là đồi núi hoang vu, cỏ dại um tùm, cây cối rậm rạp, lau sậy mọc thành rừng. Tại những Eo Đờn, Bàu Sanh, Bàu Sấu…người ta dễ dàng bắt gặp lũ thú rừng xuống mép sông uống nước, lũ cá sấu nhởn nhơ lên bờ phơi nắng ấm. Cũng chính sự hào phóng của thiên nhiên đã thu hút người dân khắp nơi đổ về đây lập nghiệp. Giờ đây dọc bờ sông, bên cạnh những ngôi nhà sàn quen thuộc là những xóm thôn của người dân xứ Quảng, xứ Huế hay xa tận Thái Bình. Những xóm làng kinh tế mới hầu hết đều nằm ở gần sông Krông Ana. Dòng sông đã trở nên thân thương, gần gũi với bao người con mới đến đất này lập nghiệp. Là thế hệ thứ hai trưởng thành bên dòng Krông Ana, anh Lê Đức Thành hiện đang là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Điền bảo, không có dòng Krông Ana, có lẽ thế hệ của anh đã không có ngày hôm nay. Như chứng thực cho lời mình, anh Thành đã cùng chúng tôi có mặt trên khúc sông chảy qua địa phận xã Quảng Điền. Nhánh sông chảy qua Quảng Điền uốn lượn giữa cánh đồng bát ngát hút tầm mắt, gợi nhớ tới một miền quê nơi đồng bằng. Anh Thành cho biết, xã Quảng Điền thành lập vào năm 1977 là một xã với người dân gốc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam được đưa lên Tây Nguyên đi vùng kinh tế mới sau 1975 sinh sống. Dòng sông chở nặng phù sa không chỉ giúp người dân nơi đây nhanh chóng ổn định cuộc sống vươn lên làm giàu, mà non nước hữu tình cũng đã làm vơi đi nỗi nhớ quê nhà.
Một bến thuyền bên dòng sông Krông Ana |
Chia tay xã Quảng Điền, chúng tôi tiếp tục hành trình của mình. Ven bờ, lục bình kết thành từng bè từng mảng dập dềnh, hoa tím ngắt. Những bờ lau sậy phất phơ. Chấp chới những cánh cò trắng. Vài chiếc thuyền đang bập bềnh trên sông. Người dân chài ngồi đạp thuyền, thả lưới. Mái chèo khua nước ràn rạt. Thỉnh thoảng, một chiếc thuyền máy chở người, chở hàng phành phạch xé nước chạy qua. Tiếng nước vỗ vào bờ oàm oạp. Nhìn sang hai bên bờ, thấy mênh mông một màu xanh mướt của nương ngô, bờ bãi. Xế chiều, anh Ba Hùng lái thuyền đưa tôi ghé qua một trong những bến đò, chợ quê bên sông. Điều dễ nhận thấy nhất ở đây là cá. Dòng sông Mẹ thật bao dung, rộng mở hào phóng dâng tặng cho con người đủ loại tôm cá. Cá chép, cá rô, cá lóc, cá thát lát, cá sặc, tôm, tép, lươn, cua, ốc… đủ thứ đủ loại. Có những con cá lóc, cá chép nặng tới vài cân. Có cả những chú cá lăng quý hiếm, thơm ngon nổi tiếng. Trên thuyền, dưới bến là từng thúng cá tươi ngon được mua đi, bán lại tấp nập.
Chúng tôi quay thuyền về khi trời chập choạng tối. Trở lại thị trấn Buôn Trấp là trở lại với nét sinh hoạt văn hóa đậm đặc màu sắc dân gian. Đã từ rất lâu, nép mình bên dòng sông Krông Ana bốn mùa dạt dào phù sa, bao đời nay người Êđê vẫn duy trì đội chiêng nữ Buôn Trấp. Đây là đội chiêng thuộc dạng "độc nhất vô nhị” ở Dak Lak. Vượt qua sự khó khăn của vật chất, sự khắc nghiệt của thời gian và cách trở của không gian, bằng đam mê "máu thịt” những người phụ nữ Êđê Bih trong đội chiêng nữ Buôn Trấp đã đưa tiếng chiêng từ buôn làng ra thế giới.
Một ngày đắm mình trên dòng Krông Ana, tôi đã cảm nhận để rồi thấm thía bao nét đẹp. Mỗi dòng sông có một huyền thoại, triết lý của riêng mình. Sông Krông Ana cũng vậy. Triết lý ấy chính là sự giao hòa của sóng nước, núi non, bờ bãi. Dòng sông Mẹ vẫn mang trong mình huyền thoại về câu chuyện tình bi thương của đôi trai gái xưa kia, để rồi trở thành biểu tượng của cuộc sống sung túc, của sự trường tồn, vĩnh cửu trong cuộc sống mới hôm nay.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc